Trước khi làm việc về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 thuộc TP Hà Nội”, Đoàn đã khảo sát thực địa công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn xã Văn Khê (huyện Mê Linh).
Cơ bản hoàn thành đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Văn Duân cho biết, đến cuối năm 2023, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP đã phê duyệt và thu hồi đất 763,86/791,21ha (đạt 96,54%).
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP đã tiếp nhận 714,15/763,86ha (đạt 93,49% so với diện tích đã giải phóng mặt bằng). Tổng số ngôi mộ đã di chuyển là 7.899/9.263 ngôi - đạt 85,27%.
Về công tác tái định cư, các địa phương trên địa bàn TP xây dựng 13 khu tái định cư với tổng diện tích 32,5ha; đang thi công xây dựng 12/13 khu, cơ bản đáp ứng theo tiến độ.
Thực hiện dự án đường song hành (đường đô thị), là dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đến hết năm 2023 sản lượng thi công đạt khoảng 8% giá trị hợp đồng, tổng giá trị giải ngân được hơn 950 tỷ đồng.
Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, bổ sung, cập nhật bảo đảm thống nhất quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Chính sách tài khóa, tiền tệ đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa bàn huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, huyện đã trực tiếp chủ trì trên 30 buổi họp, đối thoại với nhân dân trên địa bàn 5 xã, với trên 2.500 người tham dự để thông tin, tuyên truyền; đồng thời để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân đối với dự án. Vì vậy, khi thực hiện dự án trên địa bàn không có đơn thư vượt cấp, không phải cưỡng chế thu hồi đất.
Đến nay việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đoạn qua huyện Mê Linh đã bảo đảm tiến độ TP giao, trong đó công tác di chuyển mộ, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp hoàn thành sớm hơn tiến độ. Quá trình chi trả tiền bồi thường nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân và các hộ gia đình, cá nhân.
Việc cụ thể hóa, triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ và TP Hà Nội đã góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mê Linh với nhiều kết quả tích cực. Nổi bật trong đó, huyện đã thực hiện hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội TP giao trong năm 2022, năm 2023.
Công khai, minh bạch về đơn giá, định mức
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao TP Hà Nội, huyện Mê Linh đã triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong thực hiện dự án quan trọng quốc gia Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quyết tâm chính trị của TP, huyện trong công tác dân vận, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân đối với dự án và tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án đường song hành; kết quả tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án thành phần…
Quan tâm đến công tác quản lý vật liệu thi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị làm rõ công tác quản lý vận hành, không để xảy ra sai sót, bảo đảm đáp ứng đủ vật liệu cho công trình. Cùng đó, làm rõ giải pháp giải ngân vốn đầu tư công đồng bộ với tiến độ thực tiễn dự án, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị huyện Mê Linh làm rõ hơn thực tế xử lý việc giao đất trái thẩm quyền và xây dựng trên đất nông nghiệp, thẩm quyền xác định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng… đối với dự án Đường vành đai 4-Vùng Thủ đô để đại biểu Quốc hội có thêm dữ liệu tham gia ý kiến sửa đổi Luật Đất đai ngay trong kỳ họp bất thường lần thứ 5 sắp diễn ra...
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội ban hành và đã được TP phân cấp về huyện đã tạo điều kiện rất thuận lợi để huyện triển khai. Những chính sách đặc thù cũng tạo điều kiện để địa phương mạnh dạn, chủ động thực hiện, giúp tiến độ được đảm bảo, đẩy nhanh.
Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh, dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện được thực hiện đúng tiến độ, trong đó nhiều việc khó được tháo gỡ kịp thời. Tuy nhiên, trong quá triển khai cũng gặp khó khăn, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, hiện huyện đang quyết tâm và nỗ lực thực hiện dự án đúng tiến độ.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao công tác chuẩn bị của huyện Mê Linh và sự vào cuộc tích cực, nghiêm túc của các cấp, các ngành trong triển khai dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn huyện. Năm 2023 huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu, nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ được ban hành để phát triển kinh tế-xã hội với những đặc thù, phân cấp mạnh mẽ đã thực sự phát huy hiệu quả.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP đề nghị huyện Mê Linh tiếp tục rà soát, đánh giá để có những kiến nghị với Trung ương, TP về những cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho phát triển. Cùng với đó, đánh giá kỹ bài học kinh nghiệm về toàn bộ các nhiệm vụ như kinh phí, thời gian, dân vận… từ đó nhân rộng đối với các công trình trọng điểm khác của TP. Bên cạnh đó, triển khai chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch về đơn giá, định mức.