Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, sáng tạo, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018 có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội.

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô đã vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được thành tựu toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nhân dịp đón Xuân mới Kỷ Hợi 2019, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị về những kết quả của năm qua và định hướng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2019.
Kính thưa đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, năm 2018 vừa đi qua đã để lại dấu ấn sâu sắc, ghi nhận những thành tựu nổi bật của Đảng bộ Thủ đô. Đồng chí đánh giá thế nào về những nét nổi bật nhất trong sự phát triển của Hà Nội năm qua?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Năm 2018, Thành ủy lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, TP phải chỉ đạo giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, với tính chất, quy mô, yêu cầu công việc ngày càng cao, có nhiều việc lớn, việc khó và phát sinh mới, cấp bách, nhưng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm cao, vượt lên những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành cơ bản, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018, tạo nên những dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm một số gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản huyện Thạch Thất tháng 7/2018. Ảnh: Phạm Hùng
Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, du lịch phát triển mạnh, tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội đều đạt và vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người của người dân ngày càng tăng lên, năm 2018 đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.050 USD/người. Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, nhiều công trình xây dựng lớn, các khu đô thị và các tuyến đường giao thông trọng điểm, cấp bách đã hoàn thành. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thể dục thể thao nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô từng bước được nâng cao. Chính trị - xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn; đối ngoại, hội nhập được mở rộng và phát triển.

Năm 2018 được Thành ủy xác định là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”, Hà Nội đã tạo bước chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị các cấp. Đã triển khai thực hiện đồng bộ các nghị quyết Hội nghị T.Ư (Khóa XII); Chương trình số 01, Nghị quyết số 15 của Thành ủy; đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản chỉ dạo, các chương trình, kế hoạch, đề án công tác lớn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị các cấp. Trọng tâm là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Phong cách lãnh đạo, quản lý, điều hành và lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng tiếp tục được đổi mới, bám sát thực tiễn, địa bàn, thực hiện nói đi đôi với làm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc ngay từ cơ sở, xử lý nghiêm vi phạm. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tạo đột phá mới về cải cách hành chính, trọng tâm là: Tạo chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị; cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, hướng tới một nền hành chính hành động, công khai, minh bạch và phục vụ. Phát huy dân chủ, thực hiện tốt quyền làm chủ của Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.

Những thành tựu nổi bật và toàn diện đó đã ghi nhận sự nỗ lực và quyết tâm rất cao, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, dân chủ, sáng tạo, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của Đảng bộ Thủ đô; vị thế, uy tín và sức lan tỏa của Thủ đô ngày càng được nâng cao đối với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô 10 năm 2011 - 2020.

Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu và dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng NTM. Xin đồng chí đánh giá về những kết quả nổi bật và kinh nghiệm chủ yếu của Hà Nội trong chỉ đạo triển khai công tác này năm vừa qua?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Kế thừa và tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được của các năm trước, năm 2018, Thành ủy đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp cụ thể, khả thi để chủ động thu hút, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân. Qua đó, đã động viên được sự tham gia tích cực, nhiệt tình, tâm huyết của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, các DN và Nhân dân, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn của Hà Nội ngày càng tăng cao; trong đó, kinh phí thực hiện Chương trình từ năm 2016 đến hết năm 2018 là 28.507,3 tỷ đồng (năm 2018 đạt 11.396,3 tỷ đồng). Đặc biệt, 12 quận thuộc TP đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 421,073 tỷ đồng (năm 2018 đạt hơn 187 tỷ đồng); nổi bật là các quận: Thanh Xuân (181 tỷ đồng), Hoàng Mai (58,4 tỷ đồng), Ba Đình (67 tỷ đồng), Nam Từ Liêm (31,8 tỷ đồng), Long Biên (25 tỷ đồng), Hai Bà Trưng (21,5 tỷ đồng)...

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết quả của công tác dồn điền đổi thửa là nền tảng quan trọng tạo tiền đề hình thành các vùng chuyên canh lớn, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Năm 2018, Hà Nội tiếp tục chuyển đổi được 33.884ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn TP đã có 126 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 20 mô hình so với năm 2017); 128 mô hình liên kết từ giống, vật tư đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp (tăng 57 mô hình liên kết so với năm 2017), nổi bật là: Sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản tại xã Đốc Tín (Mỹ Đức); sản xuất rau thủy canh tại xã Đa Tốn (Gia Lâm), xã Yên Mỹ (Thanh Trì); sản xuất giống và hoa lan hồ điệp tại huyện Đan Phượng... Đặc biệt, đã xây dựng được một số thương hiệu nông sản của Thủ đô như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, bưởi Sóc Sơn, cam canh Kim An, phật thủ Đắc Sở, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Cổ Bi, chuối Vân Nam, ổi Đông Dư..., không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu. Đã hình thành 15 vùng chăn nuôi tập trung, 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư và 76 xã chăn nuôi trọng điểm. Một số DN đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô, phát triển với quy mô lớn hơn và có chiến lược cụ thể hơn.

Thủ đô Hà Nội luôn giữ vững “lá cờ đầu”, là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thành tích xây dựng NTM. Năm 2018, số xã được công nhận đạt tiêu chuẩn NTM của Hà Nội tăng thêm 31 xã (vượt 5 xã so với kế hoạch đề ra là 26 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 325 xã, tỷ lệ đạt 84,19% - về đích sớm 2 năm so với Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP và Nghị quyết HĐND TP đề ra là 80%. Ngoài ra, có 3 xã (Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung) của huyện Đan Phượng được xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với 4 huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức), đến nay, đã có thêm 4 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM (Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ).

Đời sống nông dân Thủ đô được cải thiện, nhiều vùng được nâng cao. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. 100% số xã kết nối internet… Hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ. Các thiết chế văn hóa - thể thao và hệ thống dịch vụ công cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. TP đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng trường đạt chuẩn; ở các huyện ngoại thành Hà Nội, đến hết năm 2018, có 244/475 trường mầm non (đạt tỷ lệ 51%), 345/467 trường tiểu học (đạt tỷ lệ 74%), 290/425 trường THCS (đạt tỷ lệ 68%), 38/74 trường THPT (đạt tỷ lệ 51%) đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng đào tạo được nâng lên. Vệ sinh, môi trường khu vực nông thôn có chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 100%, trong đó có trên 55,5% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tỷ lệ thu gom rác thải trong làng tại các xã đạt 100%. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (đầu năm 2016), xuống còn 1,8% (cuối năm 2018). Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,9%; Thanh Trì 1,14%; Đông Anh 1,15%; Mê Linh 1,41%; Đan Phượng 1,53%...

Bên cạnh những thành tựu cơ bản đạt được, chắc chắn cũng còn có những hạn chế, thiếu sót. Đồng chí có thể chia sẻ những vấn đề gì lãnh đạo TP còn trăn trở trong thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm điểm và đánh giá còn một số lĩnh vực phải nỗ lực phấn đấu quyết liệt hơn nữa. Cụ thể như nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; việc thu hút nguồn lực xã hội ở một số địa phương chưa được nhiều, đặc biệt là huy động đóng góp của các tổ chức, DN còn chưa cao.

Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn dù đã được quan tâm đầu tư nhưng ở một số địa phương chưa đồng bộ, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của Nhân dân, đặc biệt là ở vùng xa trung tâm. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý xây dựng, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn ở một số nơi còn hạn chế.

Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa cao, đặc biệt là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Những hạn chế này, lãnh đạo TP sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt với các giải pháp đồng bộ để khắc phục trong thời gian tới.

Với những kết quả, hạn chế đã được đánh giá năm 2018, xin đồng chí cho biết những định hướng lớn về xây dựng NTM và phát triển sản xuất nông nghiệp của TP năm 2019?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Phát huy những thành tựu đã đạt được, bám sát mục tiêu Chương trình số 02 của Thành ủy (Khóa XVI) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP, năm 2019, TP sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tại địa phương. Trọng tâm là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các huyện, xã đã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đạt chuẩn xã và huyện NTM kiểu mẫu. Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa về hạ tầng nông thôn, gắn với định hướng phát triển đô thị nhất là các huyện đã được quy hoạch phát triển đô thị (như Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì...). Huy động mọi nguồn lực, tăng cường xã hội hóa, để đầu tư xây dựng NTM.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết chung sức xây dựng NTM và đô thị văn minh” gắn với phong trào xây dựng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của TP về giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hoàn thành chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... Tăng thu nhập trung bình ở khu vực nông thôn Hà Nội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% theo tiêu chí mới.

TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, trọng tâm là, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển các làng văn hóa, cơ quan văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Năm 2019 được coi là năm tăng tốc trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XVI của Đảng bộ TP. Cùng với các mục tiêu trong xây dựng NTM, Thành ủy đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì trong lãnh đạo, chỉ đạo, thưa đồng chí?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Năm 2019 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước và Thủ đô Hà Nội, là năm tăng tốc để góp phần tích cực thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Năm được dự báo là sẽ có những thời cơ, thuận lợi lớn và cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức mới.

Thành ủy Hà Nội tiếp tục xác định chủ đề năm 2019 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, nhằm tạo đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của TP. Để thực hiện tốt định hướng đó, Thành ủy tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm cơ bản sau:

Chủ động huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, cải thiện mạnh môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chú trọng phát triển du lịch, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt là quản lý đất đai, trật tự giao thông, xây dựng, chỉnh trang đô thị và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội, gắn với xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; các quy tắc ứng xử, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6, 7 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Quy định số 08-Qđi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tập trung chỉ đạo hoàn thiện nội dung Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, báo cáo Bộ Chính trị theo Kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt thực hiện sau khi được Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua.

Với khí thế mới, quyết tâm mới, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nhân dịp đón Xuân mới Kỷ Hợi, thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ TP, kính chúc toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô có nhiều niềm vui mới, mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!