Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp "bắt tay" nhà khoa học: Tăng sức bật cho hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, do đó, để hàng Việt đủ sức cạnh tranh đòi hỏi phải đẩy mạnh việc liên kết giữa DN với các nhà khoa học từ đó mới giúp DN đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để hút khách...

Đẩy mạnh hợp tác
Xu hướng DN thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học để có các sản phẩm cạnh tranh đang bắt đầu phát triển. Vừa qua Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH& CN Việt Nam) chuyển giao kết quả nghiên cứu về chiết xuất hoạt chất KG1 từ cây địa liền cho một DN để sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đây không phải là lần đầu tiên DN liên kết với nhà khoa học trong việc chuyển giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu.
 Sản xuất tại Công ty CP Rạng Đông - DN hợp tác với nhà khoa học trong việc đổi mới công nghệ.
Từ cuối năm 2007 đến nay, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông hợp tác với trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba màu và bột điện tử micro, nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng”. Việc áp dụng 2 quy trình công nghệ này trong sản xuất đã giúp DN giảm được số lượng đèn compact không đạt tiêu chuẩn, tiết kiệm tái sử dụng nguyên liệu trị giá hàng chục tỷ đồng. Viện Hải dương học chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng đèn Led cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng khai thác thủy sản xa bờ cho DN và ngư dân khu vực ven biển miền Trung và Công ty CP Rạng Ðông…

Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) TS Hà Quý Quỳnh cho biết: Gần đây, nhiều đề tài, dự án KH& CN của các đơn vị nghiên cứu đã được DN ứng dụng trong thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển thị trường KH&CN. Hình thức hợp tác thường là DN đặt hàng, tài trợ chi phí nghiên cứu, bao tiêu đầu ra hoặc DN nhận chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm.

“Mấu chốt thành công của mối liên kết này là cách thức xây dựng lòng tin của cả hai phía. DN tin tưởng vào năng lực của nhà khoa học, nhà khoa học không phụ lòng tin đó”. - Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Hà Quý Quỳnh

Là đơn vị đã có một số sản phẩm ra đời từ sự hợp tác giữa DN với nhà khoa học, Chủ tịch HĐQT Công ty CP liên kết Trí Việt Phan Văn Hiệu cho biết: DN thường “săn” các kết quả nghiên cứu khoa học từ thông tin đăng trên trang web hoặc qua đầu mối chuyển giao công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học. “ DN có vốn, có khả năng kinh doanh nhưng không có công nghệ, khi kết hợp với nhà khoa học, nhận chuyển giao, DN không phải bỏ thời gian, kinh phí, nhân lực để nghiên cứu, còn các nhà khoa học có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư nghiên cứu sâu hơn, công nghệ mới hơn, phục vụ nhu cầu xã hội” - ông Hiệu nói.

Vẫn còn nhiều bất cập

Thời gian qua, dù nhiều DN, trường đại học, viện nghiên cứu đã chủ động hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo Phó Viện trưởng Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam) PGS.TS Phí Quyết Tiến: Nguyên nhân là bởi các nhà khoa học thường không giỏi nắm bắt nhu cầu của thị trường nên dù các sản phẩm nghiên cứu thành công về mặt kỹ thuật, nhưng lại không được thị trường chấp nhận. Trong khi đó, các DN làm tốt việc này, nhưng lại thiếu dây chuyền công nghệ để đủ sức cạnh tranh với thị trường. Chia sẻ quan điểm này, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) cho biết, một trong những rào cản đối với các DN muốn tiếp cận hợp tác với các viện, trường đại học là sự hạn chế thông tin, mặc dù nhu cầu kết nối, hợp tác rất lớn. Đồng thời, ngăn chặn việc DN đã được chuyển giao công nghệ nhưng lại sử dụng nguyên liệu rẻ tiền khiến chất lượng sản phẩm không đạt kết quả như nhà khoa học nghiên cứu.

PGS.TS Phí Quyết Tiến kiến nghị, cần có mô hình DN về KH& CN, được hình thành từ các nhà khoa học kết hợp chặt chẽ với DN để liên tục phát triển, cải thiện sản phẩm, mô hình này cho phép cơ sở nghiên cứu và nhà sáng chế cùng sở hữu sản phẩm. Ðiều đó gắn quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học, giúp việc nghiên cứu tận tâm, sát thực tế hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế phù hợp để hoạt động chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn, nhà khoa học kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí nghiên cứu.