Vậy doanh nghiệp làm gì để tiết kiệm chi phí sản xuất, ổn định giá thành, hạn chế tăng giá bán sản phẩm trong thời gian tới?
Rà soát cắt giảm chi phí sản xuất
Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bridrico) mỗi năm sản xuất hàng chục triệu sản phẩm các loại nước uống đóng chai cho thị trường nội địa. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty cho biết, hiện nay, giá nhập khẩu nhôm làm vỏ chai, premix hương liệu trái cây và tỷ giá USD đều tăng nên giá nguyên liệu đầu vào tăng 1,8%, đây là mức tăng không nhỏ với doanh nghiệp sản xuất. Chưa kể, tháng 7 tới, phải tăng lương cho 700 lao động theo quy định và công ty thường có mức tăng cho người lao động cao hơn mức quy định. Tất cả những khoản tăng này đều cấu thành vào giá thành sản phẩm. Trước tình hình này, doanh nghiệp phải tiếp tục rà soát lại các khâu sản xuất, tiết giảm chi phí để không phải tăng giá bán thời gian tới.
“Chúng tôi tìm cách cắt giảm chi phí trong khâu sản xuất, giảm hao hụt trong sử dụng nguyên, vật liệu và giảm chi phí từ việc sử dụng hợp lý hóa thiết bị, máy móc của mình. Làm sao cho thời gian dừng máy ít nhất, khi thời gian dừng máy ít nhất các chi phí bảo dưỡng, bảo trì, vệ sinh máy móc nó sẽ giảm, chi phí này rất lớn nếu chi phí này giảm được thì mình sẽ cắt giảm được những chi phí khác”, ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.
Về mặt hàng gạo, nhiều người lo lắng sẽ có đợt tăng giá thời gian tới, vì giá xuất khẩu tăng và chi phí sản xuất cũng tăng. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhựt cho biết, dù chi phí đầu vào thời gian qua tăng khoảng 20%, chủ yếu là phân bón, vật tư nông nghiệp... nhưng thời gian tới doanh nghiệp vẫn giữ giá bán ổn định cho thị trường nội địa.
Hiện nay, mỗi năm doanh nghiệp này tiêu thụ ở thị trường nội địa khoảng 10.000 tấn gạo, chủ yếu là TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh giữ ổn định giá, doanh nghiệp cũng tìm giải pháp để giảm chi phí vận chuyển, giao hàng với giá tốt cho người tiêu dùng.
“Trong phân phối gạo, chi phí logistics rất lớn, chiếm đến 10% - 20%, vì vậy mình dùng các hình thức mua bán điện tử, online, logistics, shipper… làm sao tận dụng các phương tiện giao hàng như thế nào để có giá tốt, ví dụ mua 1 túi gạo 5 kg gạo mà chi phí giao hàng đến 50.000 đồng thì cao quá”, ông Nguyễn Văn Nhựt nói.
Khác với 2 doanh nghiệp trên, giá nhiều nguyên liệu đầu vào của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket tăng cao nên áp lực cho doanh nghiệp. Vì thời gian qua, các loại nguyên liệu đầu vào như: hành, ngò, ớt, gia vị, rau củ, bột mì… tăng từ 5% - 20%, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ giá bán ổn định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên thời gian tới, dự kiến giá bán sản phẩm tăng từ 3% - 5%. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ có chương trình hỗ trợ cho đại lý, cửa hàng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này tiêu thụ ở thị trường nội địa khoảng khoảng 2.000 tấn mì gói. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục rà soát, cải tiến thiết bị sản xuất để tiết giảm tiêu hao năng lượng, vì đây là 1 trong những khâu quan trọng trong sản xuất.
“Mình cải tiến trang thiết bị và sử dụng thêm những trang thiết bị để tiết kiệm năng lượng. Về lò hơi thì mình có giải pháp tăng hiệu suất sử dụng của lò, tận dụng nguồn năng lượng như nước, nguyên liệu sử dụng của lò để tái sử dụng. Mình sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và có kiểm soát năng lượng tại các bộ phận”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Hỗ trợ mặt bằng và chi phí logistics
Về phía cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Thành phố có giải pháp tăng nguồn cung và ổn định giá hàng tiêu dùng thiết yếu trong thời gian tới. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang phối hợp với SaiGon Co.op và một số hệ thống phân phối lựa chọn địa điểm phù hợp ở TP để tổ chức chương trình thí điểm tuần lễ hàng hóa các địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc này nhằm hỗ trợ nhà sản xuất nên không thu phí mặt bằng, qua đó giúp doanh nghiệp trực tiếp giới thiệu, cung cấp hàng hóa cho người dân Thành phố và có thể đưa hàng hóa vào các kênh phân phối. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thành phố cũng phối hợp với các doanh nghiệp logicstics để có ưu đãi chi phí cho hàng bình ổn giá.
“Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định, chúng tôi có giải pháp kêu gọi thêm các doanh nghiệp hỗ trợ, trong đó có doanh nghiệp về logistics lớn đã đề xuất những chính sách giá ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin.
Giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cùng với việc tăng lương thời gian tới làm cho nhiều người tiêu dùng lo ngại sẽ có đợt tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh có kinh nghiệm bình ổn thị trường đối với giá hàng tiêu dùng thiết yếu cùng với những giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, hy vọng sẽ không tác động nhiều lên giá hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân TP Hồ Chí Minh thời gian tới.