Doanh nghiệp niêm yết đối diện nhiều thách thức

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đang diễn ra của khối DN niêm yết cho thấy, năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Trong thách thức, DN đã đưa ra nhiều phương án kinh doanh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra, tối ưu hóa lợi ích của cổ đông.

Vượt khó để bứt phá

Năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức của dịch bệnh Covid-19 và tác động không thuận lợi từ tình hình vĩ mô thế giới, các DN đã nỗ lực để đạt được kết quả kinh doanh tích cực và hoàn thành được nhiều mục tiêu quan trọng.

Dự báo năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn nên Hội đồng quản trị Kienlongbank xác định mục tiêu kinh doanh thận trọng. Ảnh: Nha Trang
Dự báo năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn nên Hội đồng quản trị Kienlongbank xác định mục tiêu kinh doanh thận trọng. Ảnh: Nha Trang

Tại ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 4, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn GELEX (mã CK: GEX) cho biết, năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, GELEX đã triển khai các chiến lược quan trọng nhằm tập trung giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống, tập trung quản trị rủi ro, tăng cường sức mạnh nội lực. “Nhờ vậy, mặc dù tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng bởi yếu tố chung của các biến động thị trường, hệ thống GELEX đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận”, đại diện GELEX nhấn mạnh.

Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh hợp nhất của GELEX đạt 32.089 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 12% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế thu nhập DN hợp nhất đạt 2.081 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2021. Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của GELEX tại 31/12/2022 biến động theo chiều hướng tăng tỷ trọng tài sản và nguồn vốn dài hạn, đồng thời đảm bảo cân đối trong ngắn hạn, các chỉ số tài chính hợp nhất quan trọng về tình hình thanh khoản và quản lý nợ vay của GELEX đều nằm trong ngưỡng an toàn và trong xu thế dịch chuyển tích cực.

Tương tự, lãnh đạo Kienlongbank thừa nhận, giai đoạn 2018 - 2022 nói chung và năm 2022 nói riêng, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Dù vậy, Kienlongbank đã có các giải pháp thích ứng linh hoạt, chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước để hoàn thành mục tiêu kép về kế hoạch lợi nhuận và chuyển đổi số thành công.
Kết thúc năm 2022, KienlongBank đạt gần 682 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện 103% so với kế hoạch. Tổng thu nhập hoạt động tăng 294,4 tỷ đồng, tăng 12,70% so với năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 140,4 tỷ đồng.

Để đạt được các kết quả trên, Kienlongbank đã tích cực chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh theo xu hướng kỷ nguyên số với chiến lược số hóa toàn diện, tiến hành chuyển đổi môi trường văn phòng số E-Office trên toàn hệ thống; hoàn thành chuyển đổi thành công hệ thống Core Thẻ Smart Vista tạo đà cho việc chuyển đổi thành công Core Banking. Đặc biệt, Kienlongbank cũng đã hoàn thành việc áp dụng chuẩn mực Basel II trong quản trị rủi ro, củng cố nền tảng quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro vững mạnh.

Còn "ông lớn" BOT Tasco lại chọn tái cấu trúc mạnh mẽ là điểm nhấn cho chiến lược năm 2022 của mình. Theo đó, Tasco kiện toàn Hội đồng quản trị, tinh gọn bộ máy, hoàn thành thoái vốn tại một số công ty trong lĩnh vực không trọng tâm (Công ty TNHH T'Hospital - sở hữu Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và dự án bệnh viện 500 giường tại Pháp Vân, Hà Nội và Tổng Công ty Thăng Long - CTCP), đầu tư nguồn lực cải thiện các hoạt động kinh doanh cốt lõi góp phần đem lại kết quả hợp nhất tăng trưởng đáng kể. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh hợp nhất của công ty đạt 1.073,2 tỷ đồng, tăng 23,30%. Lợi nhuận sau thuế đạt 143,8 tỷ đồng, tăng 225,8% so với năm 2021.

Một trong những dấu mốc của Tasco là sau 50 ngày đêm thi công không ngừng nghỉ, Tasco và VETC đã hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống thu phí không dừng (ETC), toàn bộ 4 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, vượt tiến độ cam kết với Chính phủ để thu phí tự động từ ngày 01/08/2022. Dự án đã phục vụ 615 làn cao tốc trên toàn quốc thông qua mạng lưới 104 trạm thu phí, đã xử lý thu phí cho 2,7 triệu chủ sở hữu ô tô (năm 2021 là 1,3 triệu khách hàng), chiếm 80% số làn thu phí và 65% số người sử dụng, bình quân xử lý 1,2 triệu giao dịch/ngày và dịp lễ, tết xử lý khoảng 1,7 triệu giao dịch/ngày.

Lợi nhuận chưa thoát khỏi xu hướng giảm trong ngắn hạn?

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, kết quả kinh doanh 2022 và quý 1/2023 đã phản ánh sớm các thách thức vĩ mô. "Sau khi phản ánh lợi nhuận quý 1, các công ty trong danh mục theo dõi của SSI Research ước tính sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn ở mức 5,8% trong năm 2023. Lợi nhuận của một số DN niêm yết có thể vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm so với cùng kỳ. Quý 4/ 2022 lợi nhuận toàn thị trường giảm 31%. Đây sẽ là yếu tố khiến VN- Index chưa có những bứt phá mạnh ngay trong ngắn hạn"- báo cáo của SSI nhận định.

Trong bối cảnh khó khăn, khối DN niêm yết đã có những chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.

Lãnh đạo GELEX cho biết, định hướng phát triển năm 2023 là tiếp tục đầu tư theo chiều sâu ở mảng sản xuất công nghiệp và triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp. Các đơn vị thành viên trong hệ thống tiếp tục củng cố và tăng trưởng thị phần tại thị trường trong nước với các mặt hàng chiến lược, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mảng thiết bị điện, vật liệu xây dựng ra thị trường quốc tế.

Còn Tasco đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 22.500 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng.

Để chinh phục các mục tiêu đã đề ra, Hội đồng quản trị đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua các mục tiêu, định hướng lớn gồm: hoàn thành việc tăng vốn và phát hành hoán đổi với SVC Holdings: tiếp tục thực hiện phương án phát hành hoán đổi tăng vốn để sở hữu Công ty CP SVC Holdings và dự kiến hoàn thành trong quý 2/2023; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung của phương án chào bán ra công chúng.

Theo đó, công ty sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn vào Công ty Bảo hiểm Tasco; đầu tư phát triển nền tảng mua bán xe đã qua sử dụng - Carpla.

Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia cho rằng, thách thức với thị trường trong ngắn hạn lại tiếp tục hình thành cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn.

Trong quá khứ nếu lấy giai đoạn đỉnh lãi suất của Việt Nam giai đoạn 2011 để tham chiếu, thì đáy của thị trường chứng khoán vẫn sẽ có một độ trễ nhất định. Độ trễ này xuất hiện là bởi vì thị trường cần chờ xem những động thái hỗ trợ và mặt bằng lãi suất đã đủ để đưa nền kinh tế và DN hấp thụ được và quay lại với đà tăng trưởng chưa. Các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp theo của Chính phủ vẫn sẽ là động lực giúp thị trường diễn biến tích cực hơn kỳ vọng.

 

Năm 2023, bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, nhất là lạm phát và lãi suất tiếp tục neo ở mức cao. Vì thế, kế hoạch kinh doanh của DN đã được xây dựng một cách thận trọng.
Đại diện Lãnh đạo GELEX

---

"Tốc độ gia tăng lạm phát, diễn biến lãi suất trong nước trước kỳ họp đầu tháng 5 của Fed, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế và dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là những yếu tố cần quan sát trong các tháng tới của quý II." - Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI