Doanh nghiệp quay cuồng trong bão giá

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng dầu liên tục leo thang khiến cơn bão giá hàng hóa đang hình thành, cản đường phục hồi của DN. Để tiếp tục trụ vững vượt qua khó khăn, cộng đồng DN mong mỏi Nhà nước có biện pháp ổn định thị trường xăng dầu và tiếp tục giảm các loại thuế, phí.

Đầu vào đội giá, đầu ra phập phù

Ngày 13/6 vừa qua, giá xăng E5 tiếp tục tăng vọt lên mức hơn 31.000 đồng/lít, xăng A95 lên 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng rất cao 2.490 - 2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên mức 29.020 đồng/lít.

Giá xăng dầu leo thang đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Bởi trong sản xuất, khi giá xăng tăng sẽ kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo như logistics, nguyên phụ liệu và vận hành nhà máy… khiến DN đối mặt với bài toán khó trong mục tiêu phục hồi.

Bên cạnh đó, áp lực về việc tăng giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào trong khi sức mua của thị trường còn yếu, đang đẩy DN vào cảnh chật vật để xoay sở. Ở nhiều lĩnh vực như phân bón, điện tử, vật liệu xây dựng, dịch vụ… giá cả đã tăng từ 10 đến 30%, thậm chí có mặt hàng tăng tới 40%. Khiến cho DN, người tiêu dùng đứng trước áp lực của mặt bằng giá mới trên diện rộng.

Doanh nghiệp lao đao vì xăng dầu tăng giá
Doanh nghiệp lao đao vì xăng dầu tăng giá

Trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh vận tải được xem là ngành chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất khi xăng dầu tăng giá. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên chia sẻ, áp lực từ giá xăng dầu tăng khiến các DN vận tải khó có thể gồng mình tiếp tục chống đỡ. Bởi trước đây xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí, thì nay chiếm tới 45 - 50%.

“Chi phí tăng nhưng các DN không thể ngay lập tức tăng giá cước, bởi để điều chỉnh tăng giá cước phải gửi hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định, mất nhiều thời gian. Hơn thế, khi tăng giá, lượng khách hàng cũng sẽ sụt giảm tương đương” - ông Bùi Danh Liên cho biết.

Cũng quay cuồng trong cơn bão giá, Chủ tịch HĐQT chuỗi thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết, mặc dù hoạt động của đơn vị không liên quan trực tiếp tới xăng dầu nhưng hàng loạt giá nguyên liệu đầu vào như cám, ngô, đậu tương… tăng giá theo giá xăng khiến công ty thực sự “ngấm đòn”.

“Giá một số nguyên liệu đầu vào đã tăng 20 - 40%, phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng tăng buộc họ phải tăng giá bán. Với tình hình giá đầu vào tiếp tục tăng như hiện nay, buộc DN phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của DN vì thế cũng tăng. Tuy nhiên, đây cũng là điều “cực chẳng đã” mà DN buộc phải làm trong giai đoạn này” - ông Nguyễn Văn Chữ trăn trở.

Là một DN sản xuất giày dép xuất khẩu với hơn 200 công nhân, Công ty TNHH giầy Hồng Phúc (quận Hà Đông, TP Hà Nội) chưa kịp hồi sức sau dịch Covid-19, thì nay tiếp tục đối mặt với cơn bão giá. Giám đốc Công ty TNHH giầy Hồng Phúc Phùng Mạnh Tuyên cho hay, hiện công ty đang chịu áp lực từ việc tăng giá đột biến của nguyên vật liệu sản xuất, trong khi giá cước tàu, vận chuyển logistics tăng theo. Việc tăng giá đầu vào sản xuất nằm ngoài kế hoạch cũng như dự báo của DN trong năm 2022.

Trong khi đó, việc nâng giá sản phẩm lại không thể thực hiện ngay và trong một số trường hợp là bất khả thi, vì theo giá hợp đồng đã được ký kết trước đó theo năm hoặc ít nhất là 6 - 8 tháng. Do vậy, DN chỉ còn cách sản xuất cầm chừng, không dám tích lũy nguyên liệu mà chỉ dám “ăn đong”. Điều này khiến cho những đơn hàng dài hơi gặp nhiều rủi ro, DN rơi vào thế bị động.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Công thương cũng đặt ra lo ngại vì phần lớn DN bị ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn biến động phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng. Nhiều DN trong nước đã buộc phải tăng giá bán sản phẩm khi đã quá ngưỡng chịu đựng. Tuy nhiên, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào cũng như tăng giá bán chỉ là giải pháp tức thời để duy trì kinh doanh, còn việc cân đối kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 là vấn đề rất khó.

Mong muốn được giảm các loại thuế, phí

Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng xung đột giữa Nga và Ukraine, dự báo mức tăng giá xăng dầu không chỉ dừng lại ở thời điểm này. Vì vậy, áp lực bão giá sẽ tiếp tục đè nặng lên vai DN.

 

Lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm tạo áp lực lớn nhất, do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2%, làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Trong hoàn cảnh này, nên giảm các loại thuế phí để hỗ trợ DN. Việc tăng thuế phí là điều nên tránh, bởi thuế phí tăng đẩy giá hàng hóa tăng sẽ tiếp sức cho lạm phát tăng cao.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

Để vượt qua khó khăn trước mắt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Bảo Duyên Võ Văn Điệp mong mỏi: “Bão Covid-19 vẫn chưa thực sự qua đi, DN lại tiếp tục đón nhận bão giá. Chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận hết sự trăn trở của DN lúc này. Trừ một số ít ngành, lĩnh vực có khả năng trụ lại và phục hồi tốt sau đại dịch, còn những ngành như dịch vụ, du lịch, vận tải… vẫn đang đối mặt với ngổn ngang khó khăn trước mắt và cả lâu dài. Để tiếp tục hỗ trợ DN, mong Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất sớm chừng nào hay chừng đó. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về visa, khách du lịch quốc tế… để thu hút khách đến nhanh và nhiều hơn”.

Đại diện cho cộng động khởi nghiệp Việt Nam, TS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp Quốc gia kiến nghị, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN. Tuy nhiên một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn có độ trễ, trong khi đó sức ép từ các biến động của kinh tế thế giới ngày một lớn hơn. Theo đó, để lấy lại đà phục hồi sản xuất thì một trong những biện pháp cần làm ngay đó là phải nhanh chóng giảm độ trễ của chính sách. Đồng thời phải khẩn trương hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và DN.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định giá nhiên liệu, giảm bớt áp lực về các chi phí. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể cắt giảm các loại phí để hỗ trợ người dân và DN nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của giá xăng dầu. Đối với cộng đồng DN, đây là cơ hội cho DN chuyển đổi số tăng cường nâng cao công nghệ, thay vì những công nghệ sản xuất lạc hậu, thay đổi bằng quy trình sản xuất công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng.

Theo Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Tuấn Anh, trong thời gian qua, bằng nhiều chính sách cụ thể, Chính phủ cùng các bộ, ngành thông qua nhiều chính sách đã ưu tiên kịp thời hỗ trợ người dân, DN phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Hiệu quả của các gói hỗ trợ như gia hạn nợ, giảm thuế, phí, giảm lãi suất cho vay, kích cầu tiêu dùng… theo Nghị quyết của Quốc hội đã và đang thấm sâu vào DN, vào đời sống người dân. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế từ các DN, việc triển khai các gói hỗ trợ trên vẫn chưa bù đắp được so với đà tăng hiện nay. Vì vậy, việc tìm giải pháp làm sao để giảm chi phí sản xuất luôn là ưu tiên hàng đầu với DN trong giai đoạn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần