Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 89% người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt Quy chuẩn Việt Nam 02:2009/BYT của Bộ Y tế chỉ chiếm 51%.
Khu vực người dân được dùng nước sạch cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (53,7%), thấp nhất là Tây Nguyên (33,7%). Trong số các hộ được sử dụng nước sạch, chỉ có khoảng 25% tổng số hộ là được cung cấp nước từ các công trình tập trung.
Cũng theo Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cả nước hiện có 16.573 công trình cung cấp nước tập trung. Trong đó, có 1.579 công trình do khu vực tư nhân (mô hình do doanh nghiệp và tư nhân) quản lý vận hành (chiếm 9,53%).
Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Nguyễn Sơn Tùng cho biết, dù Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc tiếp cận với nước sạch cho người dân từ công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, tuy nhiên hơn 30% công trình do cộng đồng quản lý hoặc các công trình công ích đã dừng hoạt động, hoặc không vận hành ở mức yêu cầu. Thậm chí nhiều công trình đã xuống cấp.
Trong khi đó, nguồn hỗ trợ của nhà tài trợ và nguồn vốn công cho cấp nước nông thôn ở Việt Nam đang giảm dần.
Đại diện Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng cho biết thêm, các công trình do tư nhân quản lý cho thấy kết quả đầy triển vọng ở khía cạnh vận hành và bảo dưỡng tốt hơn, bền vững hơn. Hiện, cả nước có 500 doanh nghiệp tư nhân đang cung cấp dịch vụ nước tập trung, trực tiếp đến các hộ gia đình khắp Việt Nam.