Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp xoay xở tìm cơ hội mới

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang gây tác động trực tiếp đến hoạt động của nhiều DN trên địa bàn Hà Nội. Nhiều DN đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì gặp khó cả về đầu vào - đầu ra.

Sức cạnh tranh giảm sút
Theo khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều DN trong mọi lĩnh vực. Chẳng hạn, ngành du lịch Thủ đô giảm mạnh lượng khách Trung Quốc tới 93,5%; Hàn Quốc 51,4%; Singapore 42,4%;... Khách du lịch nội địa giảm 27%.
Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%... Lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất vì 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 40% lượng khách du lịch đến Hà Nội.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, các quý sau phấn đấu kích cầu để bù đắp cũng rất khó khăn. Hay đối với xuất khẩu ngành nông nghiệp như thanh long và dưa hấu cũng thiệt hại nặng vì khó thông quan.
Công nhân Công ty CP May 10 tranh thủ làm thêm giờ may khẩu trang miễn phí tặng người dân. 

Ảnh: Khắc Kiên

Đặc biệt, ngành sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 50% kim ngạch xuất khẩu, 30% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tính theo cơ cấu sản lượng sản xuất của các DN thì trên 60% DN sản xuất công nghiệp phụ thuộc từ 35 – 45% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thậm chí có DN ngành may mặc như Tổng Công ty May 10 là 65 - 70% nguyên phụ liệu nhập từ Trung quốc do vậy ảnh hưởng sẽ rất nặng nề, nguyên liệu dự trữ chỉ sản xuất được hết tháng 3, sang tháng 4/2020 sẽ có nguy cơ nghỉ việc rất nhiều. Do đó quý II/2020 sản xuất công nghiệp khả năng sẽ không có tăng trưởng.
Để chủ động sản xuất, nhiều DN đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu khác thay thế, nhưng không thể thay thế được 100% trong thời gian ngắn; mặt khác, khi nguồn cung lớn của thế giới là Trung Quốc bị ảnh hưởng, giá thành nguyên liệu tăng lên khiến sức cạnh tranh bị giảm sút. Vì vậy, mức suy giảm của ngành này vào khoảng 30% với từng quý kéo dài dịch bệnh...
Căn cơ để vượt khó
Toàn ngành dệt may Việt Nam có tới 2,5 triệu lao động cũng đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn. Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngành may mặc vừa tạm đủ nguyên liệu cho sản xuất, lập tức đầu ra lại khó. Một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn.
Thời gian mở LC cũng kéo dài, (trước là 60 ngày, nay là 120 ngày), DN càng làm nhiều hợp đồng FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu. DN trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng khi quý I doanh thu của Hugaco đã giảm 20%.
Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam (VAF), Tổng Giám đốc Trần Thị Thu Hằng cho biết, dịch gây tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tất cả đầu ra sản phẩm của DN đều giảm, việc bán lẻ mặt hàng nông sản sạch thời gian qua tại các hệ thống cửa hàng đều sụt giảm. Để vượt qua khó khăn VAF phải tìm kiếm thêm những thị trường mới, đầu ra mới tại các cơ quan, công sở, nơi có nhu cầu cao hơn và ổn định hơn trong thời điểm hiện tại.
“Bên cạnh việc tìm kiếm đầu ra trong nước, sắp tới DN sẽ đẩy mạnh sang thị trường Ấn Độ bởi đây là thị trường lớn, có xu hướng ăn chay, phù hợp với các mặt hàng nông sản sạch, organic bảo đảm chất lượng của Việt Nam” - bà Hằng nói. Để giúp DN vượt khó trong giai đoạn này, bà Hằng cho biết, DN rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc giãn nợ, giãn thuế và giảm lãi suất cho vay. Đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại ra các thị trường nước ngoài nhằm đa dạng hóa thị trường.
Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH vật liệu Tầm nhìn Việt Nguyễn Quang Vinh cho hay, để phòng, chống dịch bệnh lây lan thì việc kiểm tra, kiểm soát là cần thiết, nhưng cần có những chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đặc biệt có giải pháp hỗ trợ trong quá trình kiểm tra để hàng hóa tới DN một cách thuận lợi. Thời gian tới, DN sẽ tìm thêm các nguồn hàng khác để thay thế cho nguồn lấy từ thị trường Trung Quốc, nhưng đây là việc không dễ dàng vì cần thêm thời gian.
Có thể nói, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đẩy nhiều DN Hà Nội vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trong khó khăn cộng đồng DN vẫn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và TP Hà Nội để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, bản thân mỗi DN cũng đã tự tìm ra hướng đi mới để tồn tại và phát triển với mong muốn, khát vọng vươn lên.

Thiệt hại ước tính với ngành dệt may Việt Nam lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 (riêng Tập đoàn dệt may Việt Nam ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng). Nếu tình hình khó khăn kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.


"DN sẽ phải rà soát toàn bộ các khâu để giảm chi phí, bảo đảm đời sống tối thiểu cho người lao động… Đồng thời, lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ DN trong nước thay thế, chủ động liên hệ với các đối tác để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế." - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương