Xu hướng bảo hộ gia tăng
Thông tin từ Cục PVTM (Bộ Công Thương), hiện Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong xuất xứ Việt Nam, Ấn Độ, Ukraine, Argentina, Brazil. Đây không phải là lần đầu tiên, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam bị vướng vào “bẫy” PVTM trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2017 - 2020 đã có 201 vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra hàng xuất khẩu Việt Nam, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ năm 2019.
Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Channel Well Technogy Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo Phó Cục trưởng Cục PVTM Chu Thắng Trung, 80% sản phẩm thép, 1% thủy sản, 2% săm lốp, 6% giày dép, 9% sợi … do Việt Nam sản xuất bị kiện PVTM. Trong đó, Mỹ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với pin năng lượng mặt trời, thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn... Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam… Đặc biệt, gần đây các nước trong khối ASEAN cũng rất tích cực điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhiều dòng sản phẩm bị áp thuế bổ sung ở mức 25 - 35%, thậm chí lên tới 200 - 250%...Giải thích nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đối mặt với PVTM, Cục phó Cục PVTM Nguyễn Phương Nam thông tin, Mỹ, EU nghi ngờ Việt Nam là nơi DN Trung Quốc khi gặp khó xuất khẩu hàng vào đất nước họ nên tuồn sang Việt Nam bằng nhiều hình thức như đầu tư nhà máy để chế biến giai đoạn cuối. Sau đó đưa hàng qua cửa khẩu, nhằm thay đổi xuất xứ sản phẩm, hưởng lợi chính sách thuế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Theo TS. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương (Bộ Công Thương): “Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Mỹ đã đánh thuế bổ sung trị giá 200 tỷ USD vào nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó mặt hàng đồ gỗ bị đánh thuế cao. Đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, bởi đơn hàng và hoạt động đầu tư sẽ dần dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Việt Nam bị DN Trung Quốc lợi dụng để thay đổi xuất xứ thì chúng ta sẽ bị Mỹ áp thuế chống lẩn tránh lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam”.Chủ động ứng phó Mặc dù DN Việt đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM thế nhưng năng lực đối phó của DN chưa được nâng cao; Hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý các vụ việc PVTM còn bất cập. Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật & phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam) Lê Anh Văn thừa nhận, các FTA mà Việt Nam ký kết đã có những quy định về PVTM. Thế nhưng DN Việt chưa chủ động được các biện pháp tự bảo vệ mình; Chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp PVTM, làm ảnh hưởng đến sản xuất, thậm chí, một số DN còn bị mất thị phần xuất khẩu.Để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện cũng như áp dụng các công cụ PVTM, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: “DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh, xem xét chiến lược xuất khẩu để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng với đó, DN thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu, qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài".Đồng tình với ý kiến này Cục trưởng Cục PVTM Lê Triệu Dũng chia sẻ, nhằm hỗ trợ DN ứng phó với các vụ kiện, đơn vị đã đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm, chủ động cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp DN nắm được diễn biến vụ việc đối tác nước ngoài khởi kiện. Trong năm 2021, Cục PVTM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án về nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới và Đề án về nâng cao năng lực phối hợp trong PVTM sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Do đó, để tránh các vụ kiện PVTM, đòi hỏi DN cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.
Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng: "Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ việc, chiếm tỷ lệ khoảng 43%. Nhiều mặt hàng như: Thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp PVTM nhưng nhiều DN chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Canada..." |