Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại:

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 30 năm qua, hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông Hà Nội đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, hoạt động khuyến nông cần đổi mới toàn diện từ thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, đến xây dựng mô hình trình diễn, tư vấn dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông - Ảnh 1Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại. 

Đồng hành cùng nông dân, nông nghiệp Thủ đô

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của hệ thống khuyến nông Hà Nội trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp – nông thôn Thủ đô trong thời gian qua?

- Hệ thống khuyến nông Hà Nội sau 30 năm hình thành, phát triển ngày càng được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô. Công tác khuyến nông giúp cho các địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa…

Các hoạt động này đã giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính ổn định, bền vững; góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nói về khuyến nông Hà Nội không thể không nhắc tới Quỹ Khuyến nông Hà Nội. Ông có thể phân tích rõ hơn về hiệu quả và sức lan tỏa của Quỹ?

- Với nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, trong hai thập kỷ qua (thành lập năm 2002), Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân cho trên 4.000 lượt hộ vay vốn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng; góp phần khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, mặt nước hiệu quả, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đạt từ 250 – 500 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và hướng tới xuất khẩu; tạo đầu mối kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp giữa các hộ, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung. Giá trị sản phẩm của các phương án tăng từ 10 – 30% so với khi chưa được vay vốn Quỹ Khuyến nông.

Đáng ghi nhận, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng mô hình khuyến nông thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ…

Mô hình liên kết nuôi cá rô đầu vuông tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Mô hình liên kết nuôi cá rô đầu vuông tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã nêu rõ: Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo ông, hướng tới mục tiêu này, hoạt động khuyến nông cần phải đáp ứng những yêu cầu mới nào?

- Tôi cho rằng đây là yêu cầu, thách thức đối với ngành nông nghiệp Hà Nội nói chung và công tác khuyến nông nói riêng. Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong những năm tới, hoạt động khuyến nông cần phải đổi mới. Cụ thể:

Thứ nhất, kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông của TP theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông ổn định, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn mới.

Thứ hai, về công tác tập huấn đào tạo: Tập huấn cho các cộng tác viên, nông dân, người sản xuất được tiếp cận nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông đảm bảo nắm rõ cơ chế, chính sách, pháp luật Nhà nước, cách thức quản lý và tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân.

Về công tác thông tin tuyên truyền: Đa dạng hóa các hình thức, cách thức và các kênh tuyên truyền; nhanh nhạy, cập nhật yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Nâng cao ý thức cho người dân gắn phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ thông tin, tạo mối liên kết, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà nông - DN thông qua các diễn đàn, hội chợ, triển lãm, hội thi; phát huy hiệu quả hệ thống thông tin khuyến nông thị trường nông nghiệp.

Thứ ba, cần khuyến khích, nhân rộng các mô hình dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và có sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch dịch vụ.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn ngành nông nghiệp Thủ đô. Vậy, ông có thể gợi mở những nhiệm vụ trọng tâm đối với hệ thống Khuyến nông Hà Nội trong thời gian tới?

- Trước tiên, hệ thống khuyến nông TP cần tiếp tục đưa các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất cao, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng cường năng lực cho sản xuất nông nghiệp; triển khai mô hình đã được tổng kết và khẳng định có hiệu quả trong sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng khả năng chống chịu; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Song song đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho hệ thống thông tin thị trường và dự báo để kịp thời cung cấp thông tin về cung – cầu, giá cả thị trường trong nước và thế giới.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến nông, thời gian tới, TP Hà Nội có sửa đổi hay có thêm cơ chế, chính sách nào liên quan đến lĩnh vực này, thưa ông?

- Để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách về khuyến nông, Sở NN&PTNT đang tham mưu, trình UBND TP ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ hoạt động khuyến nông trên địa bàn TP. Ngoài ra, Sở NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Quy chế quản lý Quỹ khuyến nông được ban hành tại Quyết định số 142/2007/QĐ-UBND ngày 10/12/2007.

Đồng thời, Thành ủy, HĐND, UBND TP đang giao Sở NN&PTNT xây dựng dự thảo trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn TP Hà Nội để thay thế Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND. Đến nay, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết gửi Sở Tư pháp thẩm định. Dự kiến trình HĐND TP tại kỳ họp giữa năm 2023.

Xin trân trọng cảm ơn ông!