Nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-90 km, sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11 km - Ảnh: altcotech.com |
Theo PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) xâm nhập mặn đang tăng trở lại. Trong giai đoạn này, các địa phương hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với cây trồng, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn; sau thời gian này độ mặn có xu thế giảm dần; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó giảm dần.
Ở khu vực thượng nguồn sông Mekong đang có dấu hiệu chuyển mùa, đã có một số khu vực có mưa. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn thì dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 4/2020 vẫn tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-20%, nên khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Do đó, cần đề phòng trường hợp cực đoan hạn hán, xâm xâm nhập mặn có thể kéo dài hơn.
Còn theo Văn phòng thường trực Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, trên cơ sở dự báo dòng chảy về ĐBSCL và dự báo triều tháng 4, hiện tượng xâm nhập mặn dù có giảm nhẹ hơn so với tháng 3 nhưng vẫn ở mức nghiêm trọng. Đường ranh mặn 4g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn là sông Hậu (nhánh Cổ Chiên), sông Tiền (nhánh Hàm Luông) và sông Vàm Cỏ Tây dự kiến tiếp tục vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 đến 28 km. Đường ranh mặn 1g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông trong tháng 4 dự kiến sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 29 đến 41 km.
Căn cứ vào kết quả dự báo mức độ xâm nhập mặn trên các nhánh sông chính vào tháng 4, số giờ có thể mở cống lấy nước ngọt (độ mặn nhỏ hơn 1 g/l) tại một số công trình đầu mối sẽ được cải thiện rõ rệt so với tháng 3.
Cũng trên cơ sở đó, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công dự báo, trong tháng 4 sẽ có khoảng 628.000 ha dự kiến canh tác lúa Hè Thu trong vùng ranh mặn 1 g/l có thể không xuống giống được do thiếu nước ngọt. Còn lại người dân nên chuyển thời gian xuống giống lúa Hè Thu sang tháng 5 để hạn chế rủi ro.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có Văn bản số 1696/BTNMT-TNN ngày 01/4 về việc hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, mặn các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Trung tâm Quy hoạch và tài nguyên nước quốc gia đã khẩn trương vào cuộc lắp đặt trạm cấp nước ngọt miễn phí tại huyện xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cũng trong tháng 4, Trung tâm tiếp tục lắp đặt 4 trạm cấp nước ngọt miễn phí tại hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Nước ngọt tình nguyện phục vụ miễn phí cho bà con xã Tân Phước, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, một trong những xã đang chịu ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn khốc liệt lịch sử - Ảnh: nguoiduatin.vn |
Tuy nhiên, việc hỗ trợ nguồn nước ngọt miễn phí chỉ là giải pháp tình huống để giúp người dân ứng phó với tình trạng hạn, mặn khẩn cấp.
Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, trước thực trạng hạn, mặn như hiện nay, vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý tài nguyên nước là theo dõi sát diễn biến thời tiết; tăng cường nhận định, dự báo sớm về tình hình khí tượng thủy văn, dòng chảy, triều, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin kịp thời để các địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Hiện nay, nguồn nước mặt của nước ta có khoảng 2/3 từ các sông biên giới chảy vào. Chính vì thế, cần theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước của các hồ chứa thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ phía Trung Quốc và các hồ chứa trên các dòng nhánh để có giải pháp xử lý kịp thời bổ sung nguồn nước đẩy mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước ngọt.