“Người tiêu dùng châu Âu sẽ được hưởng lợi khi mua được khí đốt giá thấp nếu tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 được hoàn thành” - công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết trong khi Mỹ đang cố gắng ngăn chặn việc thực hiện dự án này.
Các nhà phân tích dự đoán giá khí đốt tại châu Âu sẽ giảm tới 25% sau khi Nga bắt đầu bơm khí đốt tự nhiên qua Dòng chảy Phương Bắc 2 - tuyến đường ống khí đốt dài 1.200km chạy dưới biển Baltic từ Nga tới Đức.
Theo dự báo của các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, khi Dòng chảy Phương Bắc 2 chưa hoàn thành, giá khí đốt tiêu chuẩn TTF của châu Âu dự kiến sẽ ở mức trung bình khoảng 4 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh trong năm 2021. Nhưng nếu dự án được hoàn thành vào đầu năm tới, giá khí đốt sẽ giảm còn khoảng 3 USD trên 1 triệu đơn vị nhiệt Anh.
Giá khí đốt thấp hơn rõ ràng sẽ là thông tin tích cực cho người tiêu dùng châu Âu và tạo điều kiện tăng mức tiêu thụ năng lượng xanh tại khu vực vốn đang có nhu cầu lớn nguồn khí đốt để dần thay thế năng lượng từ than đá.
Tuy nhiên, việc đưa vào hoạt động đường ống khí đốt do Nga xây dựng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sang châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump từ lâu đã cố gắng ngăn chặn việc thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc. Trong bối cảnh những nỗ lực thuyết phục các đồng minh (đặc biệt là Đức) rằng Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga không đạt hiệu quả, Washington bắt đầu gia tăng áp lực thông qua các biện pháp trừng phạt đơn phương chống dự án này.
Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy Phương Bắc 2 vào giữa tháng 12/2019. Vào cuối tháng 12/2019, tập đoàn Allseas của Thụy Sĩ - Hà Lan, được Gazprom thuê lắp đặt đặt ống Dòng chảy Phương Bắc 2 ở biển Baltic, đã dừng thi công và thu hồi các tàu rải ống để tránh bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đã được xây dựng khoảng 93%, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 ngầm dưới biển nối Nga đến bờ biển Đức sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Tây Âu thông qua Đức, quốc gia tiêu thụ chính từ dự án này.
Do tập đoàn Gazprom của Nga khởi xướng, hợp tác với các công ty châu Âu: Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall, Dòng chảy phương Bắc 2 có công suất 110 tỷ m3 mỗi năm.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 21/7 vừa qua, Hạ viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm 2021, trong đó có điều khoản mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”. Việc đưa các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với dự án vào dự thảo ngân sách quốc phòng nhằm tăng tốc quá trình thi hành các biện pháp trừng phạt.