Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Động lực phát triển Thủ đô

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, các nhiệm vụ KH&CN ngày càng bám sát thực tiễn và đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao.

Trồng hoa lan theo công nghệ cao tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Trồng hoa lan theo công nghệ cao tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Xác định tầm quan trọng của KHCN&ĐMST, lần đầu tiên Hà Nội đưa vào 10 chương trình công tác của TP. Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST trên địa bàn Thủ đô đã mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng ở tất cả đơn vị, các DN; góp phần tích cực giúp DN phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời cũng là động lực kịp thời động viên, cổ vũ người lao động tích cực lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất. Điển hình trong sản xuất nông nghiệp, việc ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh.

 

Hà Nội cần phát triển thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Phát triển nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ cho việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của một trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục là nơi văn hóa và con người Hà Nội đóng vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển Thủ đô.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang

Năm 2023, hoạt động nghiên cứu KH&CN trên địa bàn TP tiếp tục được đẩy mạnh, với 190 nhiệm vụ. Trong đó, có trên 90% đề tài và 100% dự án sản xuất thử nghiệm sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng vào thực tiễn với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực. Các hoạt động KHCN đã phát triển đúng định hướng, từng bước đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Chia sẻ hiệu quả thực tế triển khai, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ cho biết, các tiến bộ KHCN từng bước được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân, DN đã góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn theo hướng công nghệ cao. Máy móc, thiết bị tự động hóa trong sản xuất được đầu tư nâng cấp, giúp tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Phát huy vai trò là trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tới, KHCN&ĐMST sẽ được TP phát triển một cách đồng bộ, rộng khắp, lấy DN làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu. Hà Nội sẽ phát huy vai trò là trung tâm KHCN hàng đầu của cả nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối với T.Ư và các tỉnh, TP. Mạng lưới các tổ chức trung gian được hình thành, làm nhiệm vụ định giá, đánh giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ đủ năng lực phục vụ thị trường KHCN trên địa bàn Hà Nội và cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chỉ đạo, trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ này, các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc đánh giá lại kết quả thực hiện trong nửa nhiệm kỳ qua, rà soát các nội dung chậm hoặc không khả thi, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ. Cần xác định phát triển KHCN&ĐMST là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành, của TP.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động KHCN&ĐMST. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm một số chính sách đặc thù, vượt trội, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.