Đồng thời, cũng mở ra nhiều cơ hội sau Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA) và các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết. Đây cũng là cơ hội “vàng” cho các DN Hà Nội muốn kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với hơn 37,7 tỷ USD vốn đăng ký, 2.661 dự án còn hiệu lực và 1.500 DN hoạt động trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế… Kim ngạch ngoại thương Việt Nam - Nhật Bản tăng theo từng năm, năm 2014 đạt trên 27,6 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2015 đạt 19 tỷ USD. Các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam đã giúp triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quốc gia. Trong đó, riêng Hà Nội đã được hưởng lợi từ Dự án xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội…
Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả. Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á được thiết lập và đang là đòn bẩy quan trọng để quan hệ 2 nước tiếp tục phát triển ở tầm cao mới. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Nhật Bản luôn nằm trong số những quốc gia hàng đầu về hợp tác trong kinh tế, đầu tư, thương mại, giao lưu văn hóa, giáo dục… Chính phủ 2 nước đã ban hành Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Và đặc biệt là Kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp gồm điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng và sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng DN Nhật Bản tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là 6 ngành công nghiệp đã ký kết và các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông, môi trường, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ; hình thức đầu tư PPP và các hình thức mà Nhật Bản có thế mạnh phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam.
Vào cuối năm 2015, Việt Nam cùng với cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh đầu tư mới với thị trường 600 triệu dân và tổng GDP hơn 1.850 tỷ USD. Hiệp định TPP được thông qua sẽ hình thành một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Việc cùng tham gia TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam và Nhật Bản tận dụng hơn nữa những lợi thế của nhau để hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao…
Cam kết của Chính phủ
Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2015 thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các hiệp hội, ngành nghề, DN hai nước với chủ đề “Tăng cường liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Diễn đàn xoay quanh 3 chủ đề chính là hợp tác trong bối cảnh EPA và TPP, hợp tác trong nông nghiệp, hợp tác trong quá trình tái cấu trúc DNNN. Mục đích của Diễn đàn là đánh giá về hiện trạng, kiến nghị các giải pháp tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản; thảo luận các vấn đề chính sách và kiến nghị các định hướng tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh quá trình hội nhập kinh tế diễn ra ngày càng sâu rộng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn và khẳng định: Cùng với việc cải thiện môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trong và ngoài nước, Việt Nam đang chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư qua việc tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ cũng chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách cạnh tranh, nhằm thúc đẩy khối DN vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và DN Nhật Bản cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho cộng đồng DN. Đồng thời, mong muốn được nghe các đánh giá, kiến nghị thẳng thắn của đại diện Chính phủ và DN Nhật Bản, nhằm giúp Việt Nam phát triển nội lực kinh tế và tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản, vì lợi ích của cả hai nước.
Thu hút đầu tư Nhật Bản vào Hà Nội
Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: Năm 2015, trong số 521 DN vừa và nhỏ Nhật Bản mong muốn đầu tư vào các nước mới nổi thì có đến 130 công ty muốn đầu tư vào Việt Nam, vượt qua số 78 DN muốn đầu tư vào Thái Lan. JETTRO sẽ thực hiện kết nối các DN để trao đổi, mua bán vật tư, hàng hóa và đầu tư mạnh vào lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, với những sản phẩm, công nghệ mới nhất của Nhật trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp để các DN hợp tác, phát triển.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện cho giới doanh nhân Thủ đô, ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho rằng: EPA và TPP là hai hiệp định rất quan trọng không chỉ đối với Việt Nam hay Hà Nội mà còn góp phần mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản. Để cụ thể hóa EPA, trước hết cần thiết thực triển khai, hỗ trợ và hợp tác sâu rộng giữa cộng đồng DN hai nước, đặc biệt là DN vừa và nhỏ của Việt Nam - Nhật Bản. Riêng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam đang nhập khẩu hàng chục tỷ USD/năm linh phụ kiện các ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo… Bởi vậy, Chính phủ và DN Nhật Bản cần quan tâm hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho DN vừa và nhỏ Nhật Bản biết nhu cầu thị trường linh phụ kiện hiện Việt Nam đang nhập khẩu; danh sách DN Việt Nam đang có khả năng, nhu cầu hợp tác sản xuất với DN Nhật Bản; các chính sách ưu đãi và dự kiến ưu đãi khi họ vào đầu tư. Đối với DN vừa và nhỏ Việt Nam: Cần bố trí nguồn vốn ODA và ưu đãi thương mại của Nhật Bản để các DN này vay vốn mua máy móc, thiết bị từ Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ. Đối với các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Toyota: Nên xem xét cụ thể về hỗ trợ giá bán khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào Asean 2018 để có chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện khi lắp ráp xe tại Việt Nam. Trên cơ sở ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa từng năm, yêu cầu các tập đoàn phải chung tay (đặt hàng về số lượng, chủng loại, chất lượng, giá thành...) với các DN vừa và nhỏ Việt Nam - Nhật Bản để họ có khả năng sản xuất cung cấp cho các tập đoàn Nhật Bản. Đối với chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản: Nên lấy việc cụ thể hỗ trợ DN hai nước nói chung và DN vừa và nhỏ nói riêng làm ưu tiên phát triển, hợp tác. Xem xét cụ thể từng trường hợp hỗ trợ để thúc đẩy sự hình thành chuỗi sản xuất liên kết - cung ứng giữa DN Nhật Bản và Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam, từ đó tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng của TPP và thế giới.
Hansiba sẵn sàng tham gia hợp tác với các DN Nhật Bản để cùng hỗ trợ sản xuất, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hy vọng rằng, Chính phủ 2 nước và cộng đồng DN Nhật Bản - Việt Nam sẽ chú ý quan tâm hợp tác với các nội dung thiết thực để cụ thể hóa EPA và TPP, góp phần thúc đẩy phồn vinh và hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các đại biểu tham dự Diễn đàn.
|