Đồng minh ông chẳng, bà chuộc

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiến sự giữa Nga và Ukraine hiện vẫn tiếp diễn và chưa thể biết được đến khi nào mới chấm dứt. Dù vậy, EU và NATO đã không ít lần quả quyết rằng phe này đã có được phần thắng rất quan trọng trước Nga là nội bộ đoàn kết, thống nhất chưa từng thấy từ trước tới nay.

Nhưng nếu nhìn vào diễn biến cũng trong thời gian vừa qua giữa nhiều thành viên của phe này với nhau thì lại không thể không có cảm nhận EU và NATO đã quá khiên cưỡng, thậm chí có phần ngộ nhận khi quả quyết như trên.

Mới đây nhất là vụ việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ coi Thủ tướng Hy Lạp như "không còn tồn tại" sau khi phía Hy Lạp tìm cách thuyết phục Mỹ không bán máy bay tiêm kích hiện đại cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai nước này đều là thành viên NATO mà ngáng chân nhau và lại còn coi bên này là mối đe dọa an ninh đối với bên kia.

Cho tới thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên định quan điểm không đồng ý NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vì bất đồng quan điểm song phương với hai thành viên EU này chứ không liên quan gì tới NATO hay tới chiến sự ở Ukraine.

Đức và Ba Lan cũng đều trong NATO. Tổng thống Ba Lan không ngần ngại công khai phê phán và cáo buộc chính phủ Đức "nói lời không giữ lời" trong chuyện cung ứng xe tăng cho Ukraine.

Ba Lan muốn tận dụng chuyện chiến sự ở Ukraine để gây dựng vai trò trong EU và NATO nhưng vì tiềm lực thực tế có hạn nên sử dụng chiêu thức "của người, phúc ta" bất chấp những khó khăn, khó xử của Đức về đối nội cũng như đối ngoại. Hay như Hungari vẫn phủ quyết chủ trương chung của EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa khi chưa được EU đáp ứng những điều kiện riêng.

Nói vậy để thấy, giữa thành viên của liên minh với nhau, giữa thành viên của liên minh với liên minh đâu có thật sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí và cùng hội, cùng thuyền về mục tiêu và lợi ích. Liên minh càng cần đoàn kết, thống nhất nội bộ thì càng dễ bị thành viên biến làm con tin cho mưu tính lợi ích riêng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần