Lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 645 ngàn lượt khách, tổng thu đạt 85 tỷ đồng. Trong tổng số lượt khách đến Đồng Tháp đạt 2,5 triệu lượt khách, doanh thu 1. 100 tỷ đồng.
Tính đến nay, Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả. Ngoài ra, còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới. Từ năm 2016-2022 các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đón tiếp và phục vụ hơn 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 519 tỷ đồng.
Cụ thể các loại hình du lịch nông nghiệp được phát triển mạnh như: trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tham quan, thưởng ngoạn vườn cam, quýt. Các mô hình Làng du lịch du lịch sinh thái - ẩm thực; du lịch trải nghiệm - giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm - nghỉ dưỡng. Mô hình du lịch cộng đồng là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan.
Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp vẫn còn nhiều hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng của loại hình du lịch nông nghiệp của tỉnh mặc dù khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ; Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách; các DN du lịch còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh đó, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp; Tính cộng đồng, đoàn kết của các hộ dân làm du lịch vẫn chưa cao, đôi lúc còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu; chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư về du lịch; liên kết giữa các doanh nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; tính chuyên nghiệp của các sản phẩm du lịch còn chưa cao; chưa giữ chân được khách du lịch qua đêm khi đến tham quan tại tỉnh cũng là một trong những điểm đòi hỏi ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp phải đẩy mạnh khắc phục.
Nâng tầm sản phẩm du lịch nông nghiệp
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch đóng góp từ 5,0% – 6,0% trong tổng giá trị GRDP; thu hút 5 triệu lượt khách, tăng bình quân 11,11%/năm; tổng thu du lịch đạt 2.100 tỷ đồng, tăng bình quân 5%/năm. Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động. Trong năm 2023, tỉnh ước đón khoảng 3,8 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.
Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện các biện pháp phát triển du lịch như: Hoàn thiện hệ thống tin dữ liệu ngành du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Hoàn thiện cơ chế chính sách, năng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch; Phát triển hạ tầng giao thông và sản phẩm du lịch đặc trưng; Phát triển hạ tầng giao thông và sản phẩm du lịch đặc trưng; Bảo vệ môi trường du lịch, an ninh, an toàn, thân thiện và văn minh; Tăng cường chuyển đổi số…
Trong một cuộc họp gần đây, Tiến sĩ Trần Văn Túy - Viện Kinh tế Văn hóa cho rằng, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Việc phát triển các loại hình du lịch trên không chỉ bảo vệ tài nguyên, môi trường mà còn phát huy nét văn hóa bản địa đặc trưng vốn có của địa phương.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội, du lịch ẩm thực Sen kết hợp mua sắm, du lịch chăm sóc sức khỏe.