Đề án được đánh giá chuẩn bị khoa học, nghiêm túc, toàn diện, đề xuất được nhiều nội dung mới về mục tiêu, quan điểm, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Và đây cũng là Ðề án được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong công tác cán bộ.
Như Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định “công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt”. Những năm gần đây, nhiều nghị quyết quan trọng về vấn đề này đã được ban hành với những giải pháp thực hiện cụ thể. Trong quá trình đó, nội dung đổi mới công tác tổ chức từng bước được hoàn thiện; giúp xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy, cơ chế vận hành và lề lối làm việc ở của cả hệ thống chính trị. Nhiều việc mới, khó, nhạy cảm, phức tạp, đến nay cũng từng bước được nhận diện và tháo gỡ. Tuy nhiên, như Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã nhìn nhận, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo; nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là điều trăn trở, lo lắng của cấp ủy Đảng. Bởi vậy, nếu không có cuộc cách mạng đổi mới chính mình thì không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.Thực tế, những vụ đại án được đưa ra xét xử thời gian qua đã là bài học đau xót, cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong từng quy trình, trình tự bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Nhiều câu hỏi về việc xây dựng một quy trình bổ nhiệm cán bộ như thế nào cho phù hợp cũng được đặt ra. Có ý kiến cho rằng, một trong những bất cập khiến công tác cán bộ khó tạo được đột phá thời gian qua là bởi "tư duy nhiệm kỳ" còn rất nặng nề, trong khi những quy định bãi nhiệm, miễn nhiệm cán bộ chưa được hoàn thiện. Tất cả, đã và đang tạo ra rào cản, cửa hẹp cho người tài, kẽ hở cho việc xin cho, tiêu cực.Do đó, trước nhiệm vụ mới, tình hình mới, đòi hỏi Đảng phải sớm có Nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trong đó yêu cầu cán bộ phải thấm nhuần nghị quyết của Đảng. Và từ đòi hỏi của thực tế, Dự thảo Ðề án lần này đã chú trọng nhấn mạnh những vấn đề cụ thể như chống suy thoái, nạn chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực, đẩy lùi những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Ðảng... bằng những quy định sát thực, gắn trách nhiệm rõ ràng, minh bạch. Một số nội dung mang tính đột phá như phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài; đánh giá cán bộ đa chiều, trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh ra, ngoài đánh vào… Và một giải pháp được nhấn mạnh là kiểm soát quyền lực, sàng lọc phân loại và thay thế. Bởi như nhiều ý kiến đã nhận định, chưa kiểm soát tốt quyền lực nên sử dụng không đúng, xem quyền lực như là của mình rồi ban phát, xin cho. Đây là việc phức tạp, nhạy cảm, chưa làm được. Kỳ vọng đề án sẽ giải quyết được khâu yếu này, tạo sự lan tỏa và sức ảnh hưởng lớn nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách từ thực tế, thực sự khắc phục triệt để những bất cập trước đây.