Trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ Izvestia đăng ngày 9/8, Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev cho biết việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đang ở giai đoạn cuối. “Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vì thỏa thuận Đức - Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và thời gian hoàn thành dự án khí đốt của Nga. Công việc xây dựng đang ở giai đoạn cuối, và sẽ hoàn thành trong vài tuần nữa” - Đại sứ Nechaev nêu rõ.
Ông Nechaev lưu ý thêm rằng Mỹ và Đức đã không ký kết thỏa thuận về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, đó chỉ là một tuyên bố chung không phải là một văn bản ràng buộc pháp lý. Vì vậy, thỏa thuận trên không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ cụ thể nào đối với Nga.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt chạy qua đáy biển Baltic từ bờ biển Nga đến Đức, mà không qua các quốc gia trung chuyển như Ukraine, Belarus, Ba Lan và các nước Đông Âu và Baltic khác. Tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 dài 1.230km đi qua các khu kinh tế và lãnh hải của 5 quốc gia là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức đã gặp rất nhiều khó khăn do Mỹ và một số nước châu Âu nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự án này. Dự án phải tạm dừng công việc xây dựng vào tháng 12/2019 sau khi công ty lắp đặt đường ống Allseas đình chỉ thi công do lo ngại tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhà điều hành Nord Stream 2 AG đã nối lại công việc xây dựng từ tháng 12/2020.
Ngày 21/7 vừa qua, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận cho phép hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Tuy nhiên, Washington thừa nhận vẫn có thể áp lệnh trừng phạt, trong khi Berlin cam kết tìm cách gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
"Nếu Nga cố gắng sử dụng năng lượng làm vũ khí hoặc có những hành động khiêu khích đối với Ukraine, Đức sẽ hành động ở cấp quốc gia và thúc đẩy các biện pháp hiệu quả ở cấp châu Âu, bao gồm các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế khả năng xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Về phần mình, phía Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ chưa bao giờ sử dụng các nguồn năng lượng như một công cụ gây sức ép./.