Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật đường sắt (sửa đổi): Cần nhiều chính sách đột phá hơn

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/11, thảo luận về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) tại hội trường, các ĐB Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật, song đề nghị cần có nhiều chính sách đột phá hơn trong lĩnh vực này.

Đề nghị sớm có đường sắt cao tốc
Góp ý kiến vào Dự Luật, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới dự án đường sắt tốc độ cao và ủng hộ bổ sung các quy định về đường sắt tốc độ cao trong luật để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng sau này. ĐB cho rằng: "Có được tuyến đường sắt tốc độ cao mới tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta không thiếu tiền để xây dựng, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tự sinh ra tiền, dự án này không chỉ giúp phát triển ngành GTVT mà còn tạo ra diện mạo mới cho 21 địa phương mà nó đi qua. Nếu Chính phủ tận dụng hết tiềm năng mà dự án này mang lại thì chúng ta sẽ không phải vay vốn”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.  Ảnh: TTXVN

ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, chính sách phát triển đường sắt cần đưa ra lộ trình rõ ràng. Theo ĐB, có hơn 130 năm phát triển nhưng đường sắt Việt Nam vẫn chỉ là công nghệ 1, với khổ đường đơn 1m trong khi thế giới đã ở công nghệ 4 chuẩn bị sang công nghệ thứ 5. Do đó, Quốc hội cần quan tâm bố trí một khoản nhỏ trong gói 80 nghìn tỷ đầu tư trung hạn cho nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, để sau năm 2020 có điều kiện triển khai dự án. “Bên cạnh đó, phải giữ cho được quỹ đất làm đường sắt cao tốc sau này. Đây là vấn đề nhức nhối khi quỹ đất của đường sắt hiện nay đang bị chia năm xẻ bảy bởi nhiều lý do" -  ĐB Nguyễn Phi  Thường nêu ý kiến.
Theo ĐB Nguyễn Văn Thể (đoàn Sóc Trăng), trong 10 năm qua, nếu giám sát tất cả các loại hình vận tải của ngành giao thông thì riêng lĩnh vực đường sắt “gần như không phát triển”. Vì vậy, việc sửa Luật lần này cần tạo động lực mới cho phát triển kết cấu hạ tầng và làm sao nâng cao vai trò của vận tải đường sắt. Tuy nhiên, ĐB Thể cũng băn khoăn khi Dự Luật đưa nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển đường sắt, nhưng để các DN và nhà đầu tư tiếp cận các chính sách ưu đãi thế nào lại chưa rõ. ĐB đề xuất cần đầu tư đường sắt đôi Bắc - Nam, vì nếu có đường sắt đôi thì mỗi ngày có thể đi vài trăm chuyến Bắc Nam, tiết kiệm thời gian, chắc chắn hành khách đi sẽ ưu tiên lựa chọn, giảm áp lực cho đường bộ.
Đội vốn vì thiếu quy chuẩn
Đề cập tới đường sắt đô thị, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng,  cần tạo cơ chế chính sách cho DN đường sắt đô thị khai thác các nhà ga, đảm bảo kết nối với vận tải liên tỉnh, với các tuyến xe, các phương tiện giao thông công cộng khác. ĐB cũng băn khoăn việc các dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Việt Nam sử dụng công nghệ khác nhau. Ở Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội lại là công nghệ Pháp, còn TP Hồ Chí Minh là dùng công nghệ của Đức, Nhật. Mỗi dự án một loại công nghệ nên việc khai thác, vận hành, kết nối hệ thống, duy tu, bảo dưỡng, đào tạo nhân lực chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. “Các công trình đường sắt trên cao ở ta mới triển khai nên chưa có kinh nghiệm, vẫn phải “dò đá qua sông”, hoàn toàn không có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật… nên dẫn đến các dự án đội vốn, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi Dự Luật rất ít quan tâm đến hỗ trợ phát triển công nghệ công nghiệp đường sắt. Tôi đề nghị rà soát bổ sung vấn đề này vào Dự Luật và cần nêu rõ là đối tượng sẽ được ưu đãi để phát triển” - ĐB Nguyễn Phi Thường nói.
Bên cạnh đó, nhiều ĐB nêu ý kiến về việc cần thiết phải có cơ chế ưu đãi, đầu tư trọng điểm trong phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ cũng như khuyến khích các nguồn lực tham gia phát triển giao thông đường sắt để phát huy tối đa hệ thống vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển đất nước.
lCùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và Dự án Luật Du lịch (sửa đổi); thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.