Trước thực tế một số cơ quan, địa phương phải trả lại các phương tiện biếu, tặng, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng ngay trong Luật.
Cần quy định chặt chẽ
Về quản lý, sử dụng tài sản cho, biếu, tặng, trong giải trình một số vấn đề lớn về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết: Pháp luật hiện hành (Quyết định 64/2006/QĐ-TTg, Nghị định 29/2014/NĐ-CP) đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng trong thời gian vừa qua không nhiều, nhưng có một số trường hợp đã bị lợi dụng gây dư luận không tốt, việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa nghiêm. Do đó cần bổ sung các quy định về điều kiện được tiếp nhận, xử lý đối với các loại tài sản cho, biếu, tặng tại văn bản dưới luật vào dự thảo luật theo hướng: nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ô tô và phương tiện làm việc cho cá nhân dưới hình thức cho, biếu, tặng. “Chỉ cho phép tiếp nhận các loại tài sản trên để phục vụ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên dùng như: xe chuyên dùng phục vụ cấp cứu, văn hóa xã hội, thể thao, nghiên cứu khoa học, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai” - Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu ý kiến.
ĐB Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, pháp luật không cấm việc cho, biếu, tặng quà. Vừa qua nhiều DN hay người ở nước ngoài có tặng quà cho các cơ quan Nhà nước, cho nên việc xác lập quyền sở hữu toàn dân là phù hợp. Các cơ quan đơn vị chỉ được nhận tặng quà theo đúng quy định của pháp luật, còn lại là phải từ chối.
Cho rằng phải quy định chặt chẽ việc nhận quà biếu, đặc biệt phải rõ nguyên tắc là quà biếu đó phải được sử dụng vào mục đích công; đưa các tài sản này vào hệ thống đấu giá để thực hiện công tác xã hội, từ thiện nhằm bảo đảm chính sách cho người có công, sử dụng để xóa đói giảm nghèo..., ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhận định: Những sự việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua trong việc quản lý, sử dụng các loại tài sản biếu, tặng là một bài học. Do vậy, Dự Luật cần phải quy định chặt chẽ. Thực tế, ranh giới cho việc sử dụng tài sản này cho mục đích công và nhu cầu cá nhân trong những trường hợp này rất khó xác định, thậm chí rất dễ nảy sinh những vấn đề tiêu cực.
Không cho thuê tài sản Nhà nước
Liên quan đến việc cho thuê tài sản Nhà nước, ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng: Tài sản công khi không sử dụng hết công năng mang cho thuê, bản chất của việc này chính là sử dụng lãng phí tài sản công. Thực ra việc đầu tư quá nhu cầu sử dụng cũng là một hình thức lãng phí. Do đó nếu đầu tư quá nhu cầu sử dụng thì phần quá nhu cầu đó phải được cơ quan quản lý công sản của Nhà nước thu hồi lại, sau đó mới tiến hành tổ chức đấu thầu, cho thuê lại theo cách thức chuyên nghiệp và nguyên tắc thị trường. ĐB cũng đề nghị, quản lý tài sản phải gắn với trách nhiệm cá nhân, ví dụ một tài sản công bị hư hỏng do lỗi chủ quan trong quá trình sử dụng thì phải gắn với cá nhân chứ không phải là hư hỏng thì đơn vị, tổ chức phải chịu.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cho rằng, cần công khai tài sản công đề nghị quy định cụ thể địa điểm, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý sử dụng tài sản công và các kỳ họp tại cơ quan như vậy đảm bảo theo quy định trước đây. Còn ĐB Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) thì đề nghị cần quy định giám sát của người dân, các tổ chức xã hội đối với việc sử dụng tài sản công của các cơ quan Nhà nước để tăng cường tính minh bạch trong sử dụng tài sản công.
Giữ người không đúng cũng phải bồi thường Chiều 4/4, các ĐB Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng: Trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự, sau này kết luận người đó bị oan sai thì phải được bồi thường. Đồng thời, cần bồi thường cho người thân của người bị oan. |