Tăng trưởng chậm
Ngày 14/5, các di tích, danh thắng của Thủ đô đồng loạt mở cửa trở lại sau dịch Covid-19. Ngay sau thời điểm này, các cơ sở văn hóa đã tổ chức nhiều chương trình để kích cầu du lịch. Đơn cử như: Hoàng thành Thăng Long tổ chức tour tham quan với chủ đề “Chạm vào quá khứ”, “Hương sắc thảo mộc Đoan Dương”; Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trình diễn đêm trình diễn áo dài; Di tích Nhà tù Hỏa Lò mở tour du lịch đêm… Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, để thu hút khách du lịch, các di tích, danh thắng trên địa bàn Hà Nội đã chủ động nâng cao chất lượng phục vụ.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng các sản phẩm dịch vụ công nghệ tiện ích cho khách như wifi miễn phí, ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone miễn phí, màn hình tương tác diễn giải lịch sử Hoàng thành Thăng Long; cải tạo khu vực nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; quy hoạch cổng vào, khu vực đón tiếp, hệ thống thông tin diễn giải, biển bảng chỉ dẫn. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống trang trí cũng được chỉnh trang, nâng cấp.
Với những nỗ lực đó, lượng khách đến các di tích trên đã tăng trưởng trở lại. Đơn cử như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháng 5/2020, lượng khách chỉ đạt 7% so với cùng kỳ năm trước nhưng tháng 6 đã tăng lên, đạt 18%; nửa đầu tháng 7 đạt 23% so với năm 2019. Còn tại Hoàng thành Thăng Long, từ khi mở cửa trở lại đến nay, di sản văn hóa thế giới này đón khoảng gần 20.000 lượt khách tham quan; lượng khách tháng 7 tăng gấp đôi tháng 6/2020.
Những con số trên tuy còn khiêm tốn nhưng cho thấy, du lịch di sản đang dần hồi phục. Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Ban Quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới các hoạt động, đa dạng hóa các sự kiện văn hóa, giáo dục tại di tích và liên kết với các đơn vị lữ hành, các đơn vị quản lý di tích trên địa bàn để hợp tác trong việc kết nối các tuyến tham quan”.
Duy trì đà phát triển
Mặc dù lượng khách tham gia các chương trình du lịch di sản đã tăng trưởng trở lại nhưng phần lớn đều là khách nội địa. Theo ông Lê Xuân Kiêu: “Lượng khách thời gian qua có tăng trưởng một phần là do đang vào thời điểm thi cử. Do vậy, nhiều phụ huynh dẫn các sĩ tử đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tham quan, cầu may mắn.
Theo dự đoán, trong tháng 8 và 9, nguồn du khách này sẽ suy giảm. Vì vậy, Ban Quản lý đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới trong thời gian tới. Cụ thể như, chúng tôi đã tham gia các hoạt động thuộc chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa, du lịch Hà Nội năm 2020” tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phối hợp với các công ty lữ hành để giới thiệu các chương trình, thu hút du khách".
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Để thúc đẩy chương trình kích cầu du lịch, khu di sản Hoàng thành Thăng Long có nhiều ưu đãi dành cho khách tham quan như: Miễn phí thuyết minh tại điểm cho đoàn từ 15 khách; miễn phí gửi xe ô tô từ 16 chỗ cho đoàn khách du lịch. Đồng thời, trung tâm còn giảm giá cho đoàn khách từ 50 người trở lên với nhiều hình thức khác nhau.
Mặt khác, trong khuôn khổ chương trình quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội, khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng đã tham gia Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu đồ uống không cồn của TP Hà Nội, tổ chức tại khu vực Nhà Bát giác (quận Hoàn Kiếm). Quầy Thông tin du lịch Hoàng thành Thăng Long được trang trí đẹp mắt, ấn tượng, cùng những sản phẩm lưu niệm độc đáo mang dấu ấn khu di sản có bề dày lịch sử nghìn năm, đã thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách check in, tìm hiểu thông tin, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh di sản.
Có thể thấy, hàng loạt ưu đãi, xây dựng liên kết điểm đến, đổi mới hoạt động trải nghiệm cho du khách tại các di sản đang là sự lựa chọn của nhiều đơn vị. Nhờ đó, du khách có thêm góc nhìn thú vị và mới mẻ về di sản, góp phần thu hút đông đảo lượng khách du lịch tham gia.