Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dư nợ vùng đồng bằng Sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022.

Ngày 15/9, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Hội nghị do ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN và ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đồng chủ trì. 

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN phát biểu tại hội nghị. 
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN phát biểu tại hội nghị. 

"Chữa bệnh thừa tiền khó hơn chữa bệnh thiếu tiền"

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết: Tín dụng đối với ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, việc xuất khẩu, lúa gạo, thủy hải sản và trái cây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn của khu vực nói riêng và của cả nước nói chung. 

Về phía ngân hàng, xác định đây là một vùng rất quan trọng, cho nên trong chỉ đạo điều hành có rất nhiều cơ chế chính sách riêng cho ĐBSCL, và trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề lúa gạo, thủy hải sản. 

Theo ông Đào Minh Tú, hiện các doanh nghiệp đã ngấm khó khăn, tuy nhiên không biết khi nào những tác động của khó khăn này được giải quyết. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. 

“Vốn ngân hàng hiện nay đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền. Chữa bệnh thiếu tiền đã khó nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn.", Phó thống đốc NHNN nói.

Theo Phó thống đốc, trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay. Tuy nhiên với tình hình hiện nay,  không còn ngân hàng nào không giảm lãi suất nếu không muốn mất khách hàng.

Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác đã tạo sức ép khiến các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.  

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN báo cáo về tình hình tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản tại vùng ĐBSCL.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN báo cáo về tình hình tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản tại vùng ĐBSCL.

Dư nợ vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc. Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với 02 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yêu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

"Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.", bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.