Đưa Hànộimới Cuối tuần ngày càng hấp dẫn bạn đọc

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (12/4), Báo Hànộimới trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần ra số đầu tiên (2/4/1989-2/4/2019).

 Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.

Tới dự có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, các sở, ngành của thành phố; lãnh đạo, nhà báo của các cơ quan báo chí Thủ đô; nguyên các lãnh đạo báo Hà Tây, báo Hànộimới qua các thời kỳ; nguyên cán bộ, phóng viên Hànộimới Cuối tuần; cùng đông đảo cộng tác viên là nhà văn, nhà báo, họa sỹ, nhà nghiên cứu có tên tuổi đã góp phần làm nên thương hiệu tờ báo suốt 30 năm qua.

Theo Phó Tổng Biên tập báo Hànộimới Lê Hoàng Anh, ngày 2/4/1989, tờ Hànộimới Chủ nhật- ấn phẩm ra vào Chủ nhật đầu tiên ở Thủ đô và là tờ báo Chủ nhật thứ hai của báo chí cả nước ra mắt bạn đọc, không chỉ khẳng định Hànộimới là một trong những cơ quan báo chí đi đầu bắt kịp xu thế đi lên của báo chí hiện đại mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình hơn 60 năm xây dựng, phát triển của Hànộimới, tiền đề ra đời các ấn phẩm Hà Nội Ngày nay, Hànộimới điện tử… Hànộimới Chủ nhật (từ 2/4/1995 chuyển thành Hànộimới Cuối tuần) được độc giả cả nước đón nhận, ngày càng đáp ứng yêu cầu thời sự, nhiều bài viết sâu sắc về đời sống văn hóa-xã hội vừa đậm chất Hà Nội với nhiều chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn, trong đó nhiều chuyên mục hiện vẫn duy trì ổn định như “Hà Nội tạp văn”, “Muôn mặt đời thường”...

 Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long trao Giấy khen cho tập thể Ban Chuyên san. 
Để đứng vững trong phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội…, từ tháng 4/2018, Báo thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng Hànộimới Cuối tuần, xác định rõ hơn đối tượng độc giả chính, chỉ ra định hướng tuyên truyền cho ấn phẩm này. Với những bài viết mềm mại, chuyên đề bàn luận sâu, Hànộimới Cuối tuần đang hình thành kênh/tuyến thông tin chuyên biệt, rõ tính “đọc chậm” trong hệ thống báo Đảng Thủ đô, giúp người đọc hiểu sâu hơn các vấn đề nảy sinh trong đời sống văn hóa-xã hội, mà vẫn kết nối hài hòa trong tổng thể thương hiệu Hànộimới.
Tại đây, Ban Biên tập báo Hànộimới tặng Giấy khen cho 8 nhà báo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp 30 năm xây dựng, phát triển ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần; cho tập thể Ban Chuyên san và 6 nhà báo có thành tích trong xây dựng, thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần. Cũng dịp này, Báo đã phối hợp NXB Thanh niên tuyển chọn một số tác phẩm ký, ghi chép, tạp văn đã đăng trên Hànộimới Chủ nhật/Hànộimới Cuối tuần để xuất bản sách “Nhìn từ Hồ Gươm”.
 Phó Tổng biên tập báo Hànộimới Lê Hoàng Anh trao Giấy khen cho các nhà báo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp 30 năm xây dựng, phát triển ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần.

Tại lễ kỷ niệm, ghi nhận nỗ lực không ngừng của tập thể báo Hànộimới và ấn phẩm Hànộimới nói riêng suốt 30 năm qua, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Tô Quang Phán cũng nhấn mạnh: Báo chí đang đối mặt thử thách rất lớn về việc sẽ tồn tại thế nào; nếu một tờ báo in không phản ánh chân thật, nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí thì sẽ chẳng thể cạnh tranh được, nhất là với báo điện tử. Hànộimới nói chung, Hànộimới Cuối tuần nói riêng không nằm ngoài guồng quay khốc liệt đó, song thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025, mong tờ báo tìm được hướng đi phù hợp hơn với xu hướng xã hội, trong đó Hànộimới Cuối tuần sẽ tiếp tục được độc giả đón đọc.

Tiếp thu các ý kiến, Tổng Biên tập báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long khẳng định: Sức ép trước mắt càng lớn với một tờ báo “đọc chậm” như Hànộimới Cuối tuần. Để có thể đứng vững, Ban Biên tập đã định hướng ấn phẩm sẽ tập trung chuyên sâu hơn về lĩnh vực văn hóa-xã hội nhằm bổ sung vào những thông tin giờ, thông tin ngày mà Hànộimới điện tử, Hànộimới hàng ngày chưa chuyển tải hết; liên tục đổi mới chuyên trang, chuyên mục cho đậm chất nhân văn, thanh lịch để tạo nên bản sắc của báo tuần, đưa Hànộimới Cuối tuần cùng các ấn phẩm khác của Hànộimới ngày càng được bạn đọc tin yêu.