Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Tháp

Đưa hình ảnh du lịch "Đất sen hồng" ngày càng vươn xa

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời gian qua, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã và đang nỗ lực phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh đối với du khách trong và ngoài nước. Địa phương đang xây dựng đề án để đưa hình ảnh du lịch "Đất Sen hồng" ngày càng vươn xa...

Tạo dấu ấn du lịch

Trong năm 2022 và 2023, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều lễ hội và Fesitval để tạo dựng hình ảnh du lịch địa phương. Điển hình lễ hội năm 2022 như: Cá tra tại TP Hồng Ngự, lễ hội sen hồng, lễ hội quýt hồng Lai Vung, lễ hội hoa –kiểng Sa Đéc…; trong năm 2023 có lễ hội Xoài, Marathon Đất Sen hồng 2023, Ngày hội Hội quán, Festival hoa kiểng Sa Đéc lần thứ I. Những lễ hội nói trên đều tạo cho mình một dấu ấn riêng biệt thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham dự.

Festival hoa kiểng Sa Đéc đã thu hút hơn 140 ngàn lượt người tham gia. (Ảnh Hữu Tuấn)
Festival hoa kiểng Sa Đéc đã thu hút hơn 140 ngàn lượt người tham gia. (Ảnh Hữu Tuấn)

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Địa phương vừa Ban hành Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu định vị hình ảnh địa phương gắn với 06 trụ cột trọng tâm phát triển của tỉnh (Chính quyền, Du lịch, Nông nghiệp, Cơ hội đầu tư, Cộng đồng dân cư, Cộng đồng doanh nghiệp). Từ đó, góp phần tạo dựng một hình ảnh Đồng Tháp nhất quán, xây dựng thương hiệu Đồng Tháp với định vị rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo dựa trên những điều kiện kinh tế đặc thù, lợi thế, giá trị văn hóa, lịch sử, con người và tài nguyên thiên nhiên khác biệt.

Chính quyền Đồng Tháp đang tạo dựng hình ảnh du lịch để thu hút khách. (Ảnh CTV)
Chính quyền Đồng Tháp đang tạo dựng hình ảnh du lịch để thu hút khách. (Ảnh CTV)

Địa phương đang phấn đấu đến 2025: Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống nhận diện thương hiệu giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có biểu tượng, thông điệp quảng bá, biểu ngữ hình ảnh đại diện cho toàn hệ thống chính trị, biểu ngữ cổ động tuyên truyền trên toàn địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2027, hoàn thành xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như "Sen Tháp Mười", "Xoài Cao Lãnh", "Cá Tra Hồng Ngự", "Hoa Sa Đéc", "Quýt Hồng Lai Vung", "Nhãn Châu Thành", từ đó xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh và có cơ sở xúc tiến, quảng bá ra thị trường thế giới. Đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp trở thành điểm đến có thương hiệu mạnh của cả 06 trụ cột trọng tâm phát triển, có sức cạnh tranh lớn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chiến lược phát triển du lịch

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Quan điểm, mục tiêu và định hướng xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh theo tinh thần Kết luận số 249-KL/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Hình ảnh du lịch Đồng Tháp cũng như sản phẩm đặc trưng được các bạn trẻ thổi hồn vào chiếc nón lá. (Ảnh Hữu Tuấn)
Hình ảnh du lịch Đồng Tháp cũng như sản phẩm đặc trưng được các bạn trẻ thổi hồn vào chiếc nón lá. (Ảnh Hữu Tuấn)

Trong đó, phân chia không gian du lịch: Không gian du lịch Đất Sen Hồng, lấy TP Cao Lãnh làm trung tâm, hạt nhân động lực trong phát triển các hoạt động du lịch, văn hóa, kinh tế của vùng trung tâm. Du lịch Sắc màu vùng Biên, trọng tâm phát triển du lịch tại TP Hồng Ngự với các loại hình du lịch như: du lịch chính quyền, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch MICE.

Du lịch thủ phủ Hoa, TP Sa Đéc làm trọng tâm trong phát triển du lịch kết nối với các huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành. Các loại hình du lịch chính cần được phát triển như du lịch nông nghiệp (bao gồm du lịch miệt vườn, du lịch làng nghề), du lịch chính quyền, du lịch sinh thái tại thành phố Sa Đéc và du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực tại các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành.

Du lịch Sen Tháp Mười là thủ phủ sinh thái - nông nghiệp cùng với vùng dự trữ tự nhiên Đồng Tháp Mười. Vùng này tập trung phát triển các loại hình du lịch chính như du lịch sinh thái gắn với VQG Tràm Chim, Khu du lịch Gáo Giồng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh gắn với Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt…

Bên cạnh đó, tỉnh còn định hướng chiến lược phát triển 13 loại hình du lịch gồm: Du lịch chính quyền; văn hóa – lịch sử; sinh thái; nông nghiệp; sông nước; cộng đồng; đêm; MICE; Du lịch ẩm thực; Du lịch tâm linh; chăm sóc sức khỏe; mua sắm; Du lịch biên mậu.

Tổ chức giải marathon Đất Sen hồng cũng là một trong những định hướng tạo dựng hình ảnh du lịch tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh Hữu Tuấn)
Tổ chức giải marathon Đất Sen hồng cũng là một trong những định hướng tạo dựng hình ảnh du lịch tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh Hữu Tuấn)

Ngoài ra, tỉnh còn định hướng sản phẩm du lịch gồm: nông nghiệp; sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch tâm linh; chính quyền; chăm sóc sức khỏe; sản phẩm công viên chuyên đề Lúa, Hoa và Sen; cộng đồng; làng nghề; sông nước; trải nghiệm cuộc sống vượt thời gian; phố đi bộ và chợ đêm; dù lượn, tàu lướt, khinh khí cầu trên đồng cỏ; cắm trại cao cấp, đu dây…

Đối với thị trường khách quốc tế duy trì và thúc đẩy tăng trưởng các thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Anh,….Tập trung vào một số thị trường tiềm năng, bao gồm các nước ASEAN đặc biệt Campuchia; thị trường khách nói tiếng Hoa trung và cao cấp; thị trường các nước Tây Âu khác như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ; thị trường khách Trung Đông và Ấn Độ.

Tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ đồng bộ cả về chất lượng và số lượng. Đẩy mạnh các chương trình đào tạo tại chỗ, đào tạo lại, kết hợp tập huấn đào tạo ngắn hạn đặc biệt chú trọng đến đội ngũ lao động tại các khu, điểm du lịch, tại các cơ sở du lịch, hội quán du lịch rên địa bàn tỉnh. Phát triển các lễ hội: Festival Hoa - Kiểng, Lễ hội Sen, Lễ hội Gò Tháp, Lễ hội Xoài, Lễ hội cá tra,… Đổi với cách thức, nội dung, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, nhất là các thị trường trọng điểm.