Đức nỗ lực giúp Ukraine gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, nước này sẽ nỗ lực hết sức để gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu qua Ukraine.

"Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rõ với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng việc duy trì trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine là một điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2", Bộ trưởng Maas cho hay.
Chính quyền Berlin vẫn khẳng định vai trò quan trọng của Ukraine như một quốc gia trung chuyển khí đốt sau khi hoàn tất dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Đức cũng lưu ý rằng chính quyền Berlin vẫn muốn khí đốt từ Nga đến châu Âu được trung chuyển qua Ukraine trong dài hạn.
Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nói rằng Berlin vẫn khẳng định vai trò quan trọng của Ukraine như một quốc gia trung chuyển khí đốt sau khi hoàn tất dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine theo kế hoạch sẽ hết hiệu lực vào năm 2024 và có thể được tiếp tục gia hạn. 
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở Saint Petersburg (Nga) hôm 4/6, Tổng thống Putin tuyên bố Ukraine sẽ phải thể hiện “thiện chí” nếu nước này muốn tiếp tục là quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga sang EU.
Đề cập về lập trường tiêu cực của Ukraine đối với việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, Tổng thống Putin cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng hệ thống vận chuyển khí đốt của mình sau khi hợp đồng trung chuyển hiện tại hết hạn, mặc dù "thiện chí của các đối tác Ukraine" là cần thiết.
Dự kiến, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tới đây giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden ở Geneva, Thụy Sỹ. 
Dự án đường ống trị giá gần 12 tỷ USD dưới biển Baltic dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga vận chuyển tới Đức. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng của Nga gồm Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic đã cực lực phản đối dự án này, lo ngại đường ống sẽ giúp Moscow gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Ukraine cũng lo ngại rằng nước này sẽ mất khoản phí quá cảnh vận chuyển khí đốt trị giá khoảng 1 tỷ euro/năm, bởi đường ống mới không đi qua Ukraine./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần