Đừng biến con thành tầm gửi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thu Hà là con một nên được bố mẹ rất cưng chiều. Vừa vào cấp 3, Hà muốn có xe SH đi học là có ngay. Hà được dùng điện thoại di động từ năm lớp 8, còn tiền, Hà tiêu "không phải suy nghĩ!".

Quần, áo, giày toàn hàng hiệu, giá tiền triệu. Như một hệ lụy tất yếu của việc ăn chơi đua đòi, Hà sớm lao vào vòng yêu đương khi chỉ mới 16 tuổi. Và bố mẹ Hà gần như ngất xỉu khi thấy một thằng con trai ở cùng phòng con gái mình. Câu chuyện ấy khiến nhiều người chạnh lòng khi nghĩ đến nhiều "cậu ấm cô chiêu", sinh ra trong những gia đình giàu có, được bố mẹ cho tiêu tiền ngay khi còn nhỏ nên sớm có thói quen giải quyết mọi chuyện bằng tiền. Biết "thuê" bạn làm bài tập, trả tiền để bạn cho chép bài trong giờ kiểm tra, rồi dùng cả tiền để mua tình cảm. Mỗi khi xảy ra sự cố, chính những ông bố, bà mẹ ấy lại đứng ra dùng tiền chạy chữa cho lỗi lầm của con mà không hề nghĩ đến tình trạng đạo đức ngày càng xuống dốc của chúng.

Thực tế đã cho thấy, với những đứa trẻ được cưng chiều quá mức, nếu may mắn không hư hỏng thì cũng trở thành những người ỷ lại, không thể tự chăm lo cho mình. Một câu chuyện có thật khi một cô bé quyết định rời bỏ giảng đường đại học vì không chịu nổi sức ép của việc bị bố mẹ nuôi như "gà công nghiệp". Nhiều ông bố bà mẹ phải thốt lên rằng: "Lúc mình ốm mà con vẫn ngồi chờ bố mẹ phục vụ ăn uống, đưa đón. Buồn như muốn khóc, lúc ấy mới ân hận vì đã biến nó thành một cái cây tầm gửi có biết làm gì đâu". Cha mẹ nào mà không yêu thương, chiều chuộng con cái, điều ấy không có gì đáng nói, nhưng sự cung phụng quá mức của các bậc cha mẹ đôi khi lại là con dao hai lưỡi, làm hại chính con mình. Bởi thế, việc tạo lập cho con một nếp sống độc lập và biết suy nghĩ giá trị của bản thân không bao giờ là quá sớm, đừng biến con thành những cây tầm gửi, lệ thuộc vào bố mẹ hoặc vật chất thái quá.

Valid: True