Tuy nhiên, nhiều người lại lo lắng, bởi trước mỗi lần tăng lương, giá cả thị trường lại “té nước” tăng theo, thiết lập một mặt bằng giá mới.
Lương tăng 1, giá cả tăng 2
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, CCVC lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Đây là tin vui của đội ngũ CCVC, người lao động. Thực tế, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả hàng hóa tăng cao nên đời sống của giáo viên nói riêng và CCVC vô cùng khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân khiến cán bộ, CCVC nghỉ việc hàng loạt thời gian qua.
Đón nhận tin này, cô giáo Đồng Thị Kim Thu, trường Tiểu học Hương Sơn B (huyện Mỹ Đức) bày tỏ: Với người làm công ăn lương, việc được tăng lương là tin rất vui. Vì tăng lương đồng nghĩa với việc sẽ có thêm thu nhập để chi tiêu, nâng mức sinh hoạt của gia đình. “Hiện tại, đồng lương giáo viên quá thấp. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải làm nhiều nghề tay trái để mưu sinh... nên khó toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Việc tăng lương giúp giáo viên ổn định tâm lý, có thêm động lực để gắn bó với nghề, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn” - cô giáo Đồng Thị Kim Thu chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, ở góc tiếp cận khác, thông tin về việc tăng lương từ ngày 1/7/2023 cũng mang đến cho nhiều người được hưởng lương và cả xã hội những cảm xúc buồn vui xen lẫn. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của người lao động, nhất là lương của cán bộ, CCVC. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt.
Chị Nguyễn Thị Hường – công chức Văn phòng huyện Quốc Oai cho biết, với mức lương 6 triệu đồng/tháng, chị phải lo cho 2 con nhỏ đang tuổi đến trường. Với đồng lương ít ỏi, để đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày, chị Hường phải cân đo đong đếm từng đồng, ưu tiên mua những mặt hàng giá phải chăng và cắt giảm những khoản chi không cần thiết.
"Đợt trước, giá xăng tăng, tất cả mặt hàng như hàng thịt, cá, rau củ cũng tăng giá theo nhưng khi xăng giảm, giá thực phẩm vẫn vậy. Tôi lo lắng đợt tăng lương lần này, giá cả thị trường lại tăng vọt, thiết lập một mặt bằng giá mới” – chị Hường bày tỏ.
Ngoài đội ngũ CCVC, những người lao động tự do là lo lắng hơn cả. Bởi họ không được tăng lương nhưng lại “lĩnh trọn” giá cả tăng chóng mặt. Thực tế, cơn bão giá hoành hành mấy tháng nay đã ngấm đến cuộc sống của từng người dân. Nhiều người lao động tự do cho biết mình đang cố gắng “thắt lưng buộc bụng” sống qua thời kỳ khó khăn này, khi mà mọi thứ đều tăng giá, cả tiền thuê nhà cũng theo đà bão giá để leo thang.
Chị Hoa – lao công làm việc tại chung cư Dương Nội (Hà Đông) cho biết, chị đang thuê nhà giá 2 triệu đồng/tháng, nhưng từ khi giá cả tăng, giá nhà đã leo lên 2,5 triệu đồng/tháng. Chai dầu ăn trước mua hơn 90.000 đồng thì nay tăng hơn 100.000 đồng; thùng mì tôm cũng tăng hơn 20.000 đồng/thùng… Để xoay xở cuộc sống ở thị thành trong cơn bão giá, vợ chồng chị Hoa đang tính đến bước phải gửi con về học ở quê.
Quản lý thị trường phải đi trước một bước
Dành nhiều quan tâm về vấn đề này, thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cho biết, thời gian gần đây, nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng, giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, xăng, dầu, sách giáo khoa... tăng liên tục.
Cùng với việc tăng lương cơ sở, cần có những chính sách xã hội khác để thu nhập của người lao động đảm bảo cuộc sống, tái tạo sức lao động, tích cực cống hiến. Đồng thời, tiếp tục thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Trong khi tiền lương thực tế của cán bộ CCVC từ năm 2019 chưa tăng, lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số lạm phát và tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của cán bộ CCVC, người làm công ăn lương và đối tượng yếu thế, gây tâm lý lo âu. Trước thực trạng này, đại biểu Thái Thu Xương đề nghị cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng “lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng”.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm: Việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này. Mục tiêu trước hết của việc tăng lương cơ sở là tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế hiệu quả, chỉ số giá tiêu dùng, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc nhanh hơn mức tăng của lương.
Thực tế ghi nhận, việc tăng giá thường xảy ra trước tăng lương, thậm chí mức tăng giá hơn cả mức tăng lương, đó là tiền lệ xấu của thị trường. Việc giá cả hàng hóa tăng còn đẩy lạm phát tăng, ảnh hưởng xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác thì cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hóa.
Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin tăng lương cơ sở, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 333/TB-VPCP chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường. Chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp.
Đồng thời cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ, ngành, địa phương cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá.
Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng, dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái