Đừng để thua vì chậm

Hà Thanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN không chủ động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số thì sẽ tự thua trong cuộc đua cạnh tranh rất gay gắt hiện nay. Đây là khẳng định của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khi nói về tác động của Covid-19 đối với quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Covid-19 không chỉ gây ra nguy cơ mà còn tạo ra cơ hội cho nền kinh tế của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Đại dịch Covid-19 mặc dù tạo ra những khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt với nền kinh tế truyền thống. Nhưng cũng từ đại dịch này đã tạo ra điểm sáng, đó là thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.

Covid-19 thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ số nhiều hơn, đồng thời đưa đến cho các DN điện tử cơ hội phát triển, cũng như các ứng dụng công nghệ số được mở rộng trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, Covid-19 đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế số.

Số hóa trong hoạt động sản xuất tại Nhà máy sữa Vinamilk. Ảnh: Phạm Hùng
Số hóa trong hoạt động sản xuất tại Nhà máy sữa Vinamilk. Ảnh: Phạm Hùng

Năm 2019 là giai đoạn đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và bắt đầu ảnh hưởng dữ dội tới kinh tế Việt Nam. Vậy nền kinh tế Việt Nam ở trước thời điểm đó và ở thời điểm hiện tại có khác biệt nào rõ rệt không, thưa ông?

- Có rất nhiều sự khác biệt. Ví dụ, thanh toán không dùng tiền mặt hay ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh tế đã có bước thay đổi rất lớn về chất so với thời gian trước đây. Đó là điều rất đáng được nhắc đến và khuyến khích để chứng tỏ hoạt động kinh tế số cũng như thanh toán không dùng tiền mặt đã rõ ràng hơn trong giai đoạn gần đây. Đây cũng được xem như một điểm sáng của hoạt động kinh tế trong năm 2020, 2021 với tốc độ tăng trưởng của kinh tế số và ứng dụng công nghệ trong thanh toán đã đạt được ở mức độ cao.

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Kinh tế số được xác định chiếm 20% GDP. Đây có phải là một mục tiêu khả thi?

- Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số như trong năm 2020, 2021. Chúng ta hy vọng kinh tế số sẽ được ứng dụng mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn và đem lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng từ việc ứng dụng công nghệ số khi đem lại cho nền kinh tế cũng như xã hội Việt Nam trong thời gian tới đây.

Theo ông, cơ chế chính sách từ phía Nhà nước đã đủ mạnh, đủ cần thiết để nền kinh tế nói chung và DN nói riêng phục hồi sau quãng thời gian căng thẳng vì Covid-19?

- Về phía Nhà nước cũng đã có rất nhiều biện pháp, chính sách cũng như cơ chế để thúc đẩy cho nền kinh tế hồi phục và phát triển thời gian tới. Đây cũng là điểm sáng của hoạt động kinh tế trong năm 2020, 2021. Và đó là một trong những điều chúng ta mong muốn, nhất là tháo gỡ khó khăn về luân chuyển hàng hóa và con người giữa các địa phương với nhau.

Đồng thời, áp dụng đồng loạt các chỉ đạo từ T.Ư đến địa phương. Việc này tạo ra sự kết nối và giao thương thuận lợi, thông thoáng và hiệu quả hơn cho các DN với mức chi phí thấp hơn.

Để phát triển kinh tế số, cần phải có nhân sự số. Tuy nhiên, đây luôn là bài toán khó từ trước tới nay. Vậy Việt Nam cần giải quyết vấn đề này ra sao? Như thu hút người Việt ở nước ngoài về làm; Phối hợp với Intel, Apple hay Samsung đào tạo nhân sự…?

- Việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ số là một trong những bài toán mà chúng ta đã nói đến nhiều. Việt Nam đã phát triển và đào tạo lĩnh vực này tại các đại học từ công lập đến tư thục, hay các lớp đào tạo dạy nghề. Đó là điều cần thiết để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ số thời gian tới.

Tất nhiên, yêu cầu thực tế thường rất cao, trong khi cái chúng ta có thì lại bị giới hạn. Do đó, việc kết hợp tất cả năng lực, nguồn lực, khả năng của nền kinh tế để huy động lực lượng lao động này vào nhiều nhất là điều rất quan trọng. Chúng ta có thể huy động nguồn lực từ trong nước, kiều bào ở nước ngoài hoặc kết hợp với các công ty có tên tuổi lớn trên thế giới để mở rộng đào tạo nghề theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp số 4.0.

Chuyển đổi số được xem là hoạt động sàng lọc quy mô lớn với cộng đồng DN Việt Nam. Ai chuyển đổi số thành công thì tồn tại, không chuyển đổi sẽ bị đào thải. Ông nhận định thế nào về ý kiến này và có lời khuyên gì đối với các DN đang lưỡng lự có hay không thực hiện chuyển đổi số?

- Không phải đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát chúng ta mới nói đến vấn đề này. Việc ứng dụng công nghệ số, các chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí kết nối thị trường cũng như các chi phí tiêu thụ sản phẩm sẽ được giảm xuống mức thấp nhất. Trong điều kiện cạnh tranh khắt khe như hiện nay, hạ chi phí giá thành hay sản xuất xuống được một đồng cũng đồng nghĩa với việc nâng cao sức cạnh tranh của DN trong một khoảng thời gian “vàng”.

Đây là một trong những điểm nhấn mà DN cần phải lưu tâm, nếu DN vẫn áp dụng sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống, với chi phí cao thì sẽ khó cạnh tranh, phát triển và tồn tại. DN không chủ động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số thì sẽ tự thua trong cuộc đua cạnh tranh rất gay gắt hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần