GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam còn thẳng thắn cho rằng, chỉ trong vòng một năm học, chất lượng giáo dục khó có thể tăng đột biến như vậy (hơn 4.200 điểm 10, gấp 60 lần kỳ thi THPT quốc gia năm 2016). Nếu đúng là điểm 10 thật thì có thể đề thi quá dễ hoặc có tiêu cực trong kỳ thi.“Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, không thể có chuyện cải cách giáo dục mà từ năm trước sang năm sau, lượng điểm 10 tăng đột biến như vậy, trong khi Bộ GD&ĐT khẳng định đề thi đã được chuẩn hóa. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào những điểm 10 mà tung hô chất lượng được nâng cao. Bản thân tôi ngay từ đầu không tán thành hình thức thi trắc nghiệm, nhất là với môn Toán, nó phản ánh không đúng năng lực của học sinh, không thể hiện được chiến lược tư duy của giới trẻ. Tôi chỉ sợ “mưa điểm 10” ở bài thi trắc nghiệm phản ánh một chất lượng giáo dục "ảo". Nếu nhìn theo chiều dài, chúng ta có thể thấy liên tiếp những năm qua, Bộ GD&ĐT đều không giải quyết được vấn đề chất lượng của kỳ thi nên tìm lối thoát là năm nào cũng đổi mới cách thi. Nếu năm ngoái tốt rồi, năm nay cần gì phải đổi mới? Năm nay cũng đánh giá tốt, liệu sang năm còn đổi mới gì? Tôi tin chắc rằng, có nhiều trường đại học không muốn dùng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển đầu vào. Theo tôi, nên trả kỳ thi tốt nghiệp về cho các địa phương. Bởi thực tế, những năm qua, không phải suy đoán nhiều điểm 10 hay ít điểm 10, hàng năm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp phổ thông vẫn trên 90%, thậm chí có tỉnh đỗ gần 100%... thì điểm 10 không có ý nghĩa.Với hàng ngàn điểm 10 như kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Bộ GD&ĐT phải có tổng kết, kiểm tra. Nhiều điểm 10 có thể đề dễ hoặc quản lý không chặt, giám thị dễ dãi thì hiện tượng trao đổi bài, quay cóp vẫn có thể xảy ra. Còn chuyện các trường ĐH tuyển sinh thế nào là quyền của các trường. Bởi lẽ, hiện nay, các trường đã được giao quyền tự chủ và các trường phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Bộ GD&ĐT đừng gắn cuộc thi tốt nghiệp với tuyển sinh đại học, nó làm cho cuộc chạy đua trở nên cực kỳ căng thẳng”.