Đường sắt đô thị không vì mục tiêu lợi nhuận

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường chia sẻ, đường sắt đô thị (ĐSĐT) nói chung và tuyến Cát Linh - Hà Đông nói riêng vận hành không vì mục tiêu lợi nhuận, và thực tế vẫn chưa có lợi nhuận.

Hiệu quả xã hội là vô giá

Ngày 6/11/2021, tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước, số 2A, Cát Linh - Hà Đông - được chính thức đưa vào vận hành khai thác.

Đến hết ngày 11/6 vừa qua, tuyến đã vận hành được 583 ngày an toàn, vận chuyển được trên 13,7 triệu lượt hành khách.

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho hay: “Tuyến đã vận hành 2 năm đầu theo kịch bản tốt nhất được thống nhất giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội”.

Ông Vũ Hồng Trường cho biết thêm, đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và ĐSĐT nói riêng là đầu tư công, không nhằm mục đích lợi nhuận mà vì hiệu quả xã hội, môi trường, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Theo tính toán, cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng ĐSĐT thì sẽ giảm được 487.000 giờ tham gia giao thông trên đường, và đem lại hiệu quả kinh tế trên 30 tỷ đồng. Đồng thời cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng ĐSĐT sẽ giảm được khoảng 100 tấn phát thải khí CO, HC và NOx.

Từ thực tế vận hành, khai thác tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông cho thấy, ĐSĐT tại Hà Nội đã đạt được 3 hiệu quả xã hội và môi trường rõ rệt. Thứ nhất là ĐSĐT được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp.

Mỗi ngày có trên 3 vạn hành khách đi lại trên tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông
Mỗi ngày có trên 3 vạn hành khách đi lại trên tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông

Hiện tại, mỗi ngày có trên 3 vạn hành khách đi lại trên tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% là đi lại với mục đích khác.

Hiện tại đã trở thành hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70% đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng, trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường.

Thứ hai là tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời tạo dựng văn hóa giao thông văn minh, lịch sự.

Theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng ĐSĐT để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến.

Hướng dẫn hành khách mua vé lên tàu
Hướng dẫn hành khách mua vé lên tàu

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói: “Những hiệu quả xã hội như: Giảm UTGT, ô nhiễm môi trường, xây dựng văn hoá giao thông là vô giá”.

Thứ ba là sau gần 2 năm vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội đã từng bước xây dựng được đội ngũ những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách, những người vận hành khai thác theo hướng chuyên nghiệp. “Hiện chúng ta có thể tự đào tạo đội ngũ nhân lực ĐSĐT cho cả nước, tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian” - ông Vũ Hồng Trường nói.

Thực hư chuyện lỗ - lãi

Vừa qua có thông tin tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông lãi tới 96 tỷ đồng. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, cách hiểu như vậy là chưa chính xác.

Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, TP đã áp dụng chính sách giá vé rẻ. Do doanh thu từ vé không thể đủ bù đắp chi phí, nên TP vẫn duy trì trợ giá từ ngân sách để một mặt đảm bảo nguồn tài chính cho vận hành tuyến, mặt khác đảm bảo lợi ích cho người sử dụng dịch vụ và quyền lợi cho người lao động.

Đường sắt đô thị nói chung và tuyến Cát Linh - Hà Đông nói riêng vận hành không vì mục tiêu lợi nhuận
Đường sắt đô thị nói chung và tuyến Cát Linh - Hà Đông nói riêng vận hành không vì mục tiêu lợi nhuận

“Nguồn thu năm 2022 của Công ty ngoài doanh thu từ vé đã có trợ giá của TP theo đơn giá tạm thời. Con số chênh lệch thu chi trong báo cáo tài chính của Công ty trên 96 tỷ đồng chưa phải là lợi nhuận. Tuy nhiên, theo quy định tài chính, cứ lấy thu trừ chi mà dương thì gọi là lợi nhuận, nên mới có sự nhìn nhận chưa hoàn toàn chính xác này” - ông Vũ Hồng Trường nói và phân tích.

Lý do có khoản chênh lệch trên 96 tỷ đồng nêu trên là do định mức và đơn giá của TP tính toán đặt hàng là tính bình quân cho cả một quá trình. Tuy nhiên trong 2 năm đầu, đoàn tàu, trang thiết bị và hạ tầng còn mới nên các chi phí phát sinh chưa nhiều. Đặc biệt là nhiều loại vật tư phụ tùng sửa chữa đắt tiền do đơn vị bảo hành chi.

Hết thời gian bảo hành các chi phí này sẽ phát sinh và tăng dần. Chính vì vậy theo kế hoạch tài chính năm 2023 của Công ty dự kiến lợi nhuận còn thấp hơn lãi định mức trong đơn giá đặt hàng của TP.

Công ty đã báo cáo liên ngành về phương án xử lý chênh lệch thu chi 96 tỷ năm 2022, trên cơ sở cân đối hợp lý nguồn để đảm bảo duy trì vận hành tuyến, đảm bảo quyền lợi cho hành khách và quyền lợi cho người lao động theo quy định.

Vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khẳng định, nhiệm vụ quan trọng nhất của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đồng là tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn vận hành để phục vụ Nhân dân.

Lợi nhuận từ những hiệu quả xã hội khi giảm thiểu được phương tiện giao thông trên tuyến, giảm ô nhiễm môi trường, UTGT và góp phần tích cực xây dựng văn hoá giao thông mới là mục tiêu hàng đầu của ĐSĐT.