Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, VNR vừa kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải đề xuất về phương án đầu tư, vay vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020 với tổng mức đầu tư 4.658,8 tỷ đồng.
VNR dự kiến sẽ đầu tư 100 đầu máy mới (2.164 tỷ đồng), 150 toa xe khách (1.674,5 tỷ đồng), 300 toa xe vận chuyển container (270 tỷ đồng) và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/giờ (550 tỷ đồng).
Theo VNR, Luật Đường sắt mới được thông qua đã quy định niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe và VNR cho rằng phải thay thế dần các chủng loại sang công nghệ mới hiện đại, tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình khác.
Về lý do lựa chọn Ngân hàng Phát triển Việt Nam, VNR cho rằng, lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư tại ngân hàng này ổn định, thời gian vay vốn dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo tiền vay. Còn nếu vay từ ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay ngắn.
VNR đề nghị Bộ Giao thông, vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận để các dự án đầu tư ngành đường sắt được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Đồng thời VNR cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các thủ tục vay vốn nếu được Chính phủ chấp thuận, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng theo đúng quy định của hợp đồng vay vốn.
Hiện nay VNR có 294 đầu máy với 11 chủng loại, tuổi đời trung bình của các đầu máy trên 30 năm; gần 1.000 toa xe hành khách, 5.000 toa xe hàng hóa và trung bình tuổi thọ các toa tàu cũng khoảng 30 năm. Về chất lượng toa tàu khách, hiện có 994 toa tàu khách, trừ toa mới đóng xong còn toa gần nhất cũng 14 năm và thường tuổi thọ các toa là 30 năm.
VNR đặt ra mục tiêu đến năm 2021 thay toàn bộ toa xe cũ, đóng toa mới. VNR sẽ đầu tư 100 đầu máy mới bởi hiện nay có những đầu máy chi phí chênh lệch nhiên liệu trong khoảng 5 năm thì đủ mua một đầu máy khác. VNR sẽ mua 50 đầu máy và tự đóng mới 50 đầu máy còn lại.