Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU đầu tư “khủng” nhằm sớm thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo kế hoạch trị giá 210 tỷ euro (khoảng 221 tỷ USD) để chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027 và tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Theo đài CNN, kế hoạch “RePowerEU” được EC công bố ngày 18/5 vạch ra ba hướng hành động để cắt giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga, gồm chuyển sang nhập khẩu khí đốt từ nguồn cung khác ngoài Nga, thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo và tăng nỗ lực tiết kiệm năng lượng.

Ủy ban châu Âu (EC)  công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro (khoảng 221 tỷ USD) để chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027. Ảnh: CNN
Ủy ban châu Âu (EC)  công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro (khoảng 221 tỷ USD) để chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027. Ảnh: CNN

Theo kế hoạch "REPowerEU", EC đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt của Nga trên toàn khối xuống 66% vào cuối năm nay, đồng thời kết thúc hoàn toàn sự phụ thuộc trước năm 2027 bằng cách tiết kiệm năng lượng, tìm các nguồn thay thế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. "Chúng tôi đang đưa tham vọng của mình lên một cấp độ khác để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ độc lập với nhiên liệu hóa thạch của Nga càng sớm càng tốt," Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 18/5.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2, Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Khối này đã thống nhất cấm nhập khẩu than của Nga từ tháng 8 tới và đến tháng 4 vừa qua đã cắt giảm thị phần nhập khẩu khí đốt Nga từ 40% năm ngoái xuống 26%.

Kế hoạch mới này còn đặt mục tiêu cao hơn, nhằm nhanh chóng đẩy mạnh nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Canada, cũng như tăng cường dòng chảy của đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy.

EC cũng thiết lập nền tảng cho phép các quốc gia mua chung năng lượng nhằm hạ giá nhiên liệu đang ở mức cao. "Khi hành động cùng nhau, châu Âu sẽ có lợi thế hơn. Bằng cách này, chúng ta có thể đảm bảo việc nhập khẩu mà không gây ra cạnh tranh giữa các nước thành viên," bà von der Leyen giải thích về chương trình mua năng lượng chung

Kế hoạch của EC cũng nhấn mạnh các chiến thuật tiết kiệm năng lượng là "cách nhanh nhất và rẻ nhất" để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Châu Âu sẽ khuyến khích người dân và doanh nghiệp cắt giảm sử dụng nhiên liệu, như tắt bớt đèn và sử dụng ít điều hòa hơn. Việc này được dự báo giảm nhu cầu dầu và khí đốt thêm 5% trong ngắn hạn.

Về dài hạn, EU sẽ nâng mục tiêu có ít nhất 40% năng lượng từ các nguồn tái tạo lên 45%. Khối có kế hoạch cắt giảm đáng kể thời gian xin giấy phép cho các dự án năng lượng tái tạo mới. Bà Von der Leyen cho rằng gói này sẽ "tăng tốc" quá trình chuyển đổi của khối sang năng lượng tái tạo và bao gồm kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện mặt trời của khối vào năm 2025.

Phần lớn trong khoản đầu tư mới trị giá 221 tỷ USD từ nay đến năm 2027 sẽ được tài trợ thông qua quỹ phục hồi hậu Covid-19 của EU. Các phần trong kế hoạch "REPowerEU" là các đề xuất về luật cần được các nước thành viên EU phê duyệt trong khi những phần còn lại là khuyến nghị. Ngoài lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, EU đang thảo luận đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga trong gói trừng phạt thứ sáu đối với Moscow. EC cho biết cần thêm thời gian để các quốc gia không giáp biển phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga tìm nguồn cung thay thế.

Kế hoạch "REPowerEU" cũng đề ra cách khối sẽ phản ứng nếu Nga “khóa” hoàn toàn các van khí đốt xuất khẩu sang EU. Bà Kadri Simson - Ủy viên EU về năng lượng, nhấn mạnh tại cuộc họp báo hôm 18/5: "Cởi trói châu Âu khỏi nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của khối sẽ rất khó khăn, nhưng lợi ích kinh tế của việc chấm dứt sự phụ thuộc sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí ngắn hạn của kế hoạch REPowerEU".

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, châu Âu phải quyết liệt hơn mới có thể hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này, nhất là khi nội bộ EU vẫn còn chia rẽ đối với đề xuất dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.