Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU không còn nhiều mục tiêu để áp lệnh cấm vận Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU sẽ bổ sung thêm 59 người và 28 tổ chức của Nga vào danh sách đen trong gói trừng phạt thứ 10, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 24/2 tới.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: AFP
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: AFP

Quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận khối này đã áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế chính nhằm vào Nga và hiện đang cạn kiệt các biện pháp hạn chế.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 20/2 cho biết, các cuộc thảo luận của EU về các lệnh cấm vận mới nhằm vào Nga trở nên khó khăn hơn khi liên minh đã áp đặt gần như tất các các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ  nhất có thể đối với Moscow và “không còn nhiều mục tiêu để áp đặt cấm vận”.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ LeSoir của Bỉ, ông Michel nhấn mạnh, mỗi lệnh trừng phạt mới hiện nay chỉ nhằm mục đích “thắt chặt các kẽ hở và ngăn chặn gian lận”, vì tất cả các biện pháp trừng phạt chính đã được áp dụng.

"Các biện pháp chính đã được áp dụng vì chúng tôi đã áp lệnh cấm vận đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga. Một khi đã thực hiện các bước chính, không còn gì nhiều để làm nữa" - ông nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm Kiev vào tháng 1 vừa qua, người đứng đầu Hội đồng châu Âu thừa nhận rằng đàm phán về các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga ngày càng trở nên phức tạp với mỗi vòng trừng phạt mới vì đang thiếu các hạn chế bổ sung. “Mỗi cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt đều khó khăn hơn nhiều so với bàn thảo trước đây” - ông Michel nói.

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 15/2 đã đề xuất gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga, với mục đích cắt nguồn cung hàng hóa giá trị khoảng 11 tỷ euro (tương đương 11,8 tỷ USD). Đó là những hàng hóa công nghiệp mà Nga cần và không thể tìm được nguồn cung từ các nước thứ ba. Theo đó, Brussels muốn áp hạn chế xuất khẩu thêm 47 mặt hàng thiết bị điện tử sử dụng trong các hệ thống vũ khí như máy bay không người lái, tên lửa và trực thăng.

Theo EUobserver, lần này EU sẽ đưa 59 người và 28 tổ chức vào danh sách đen, bao gồm 3 ngân hàng: Alfa-Bank, Tinkoff và Rosbank; Quỹ tài sản quốc gia của Nga; hai công ty truyền thông (Patriot Media Group và Rossiya Segodnya), và hai công ty bảo hiểm (Ingosstrakh và RNRC). 

EU cũng cân nhắc cấm công dân nắm giữ chức vụ quản lý của các công ty quan trọng của châu Âu và hạn chế cung cấp khả năng lưu trữ khí đốt cho các thực thể được thành lập ở Nga.

Theo Cơ quan Đối ngoại EU, cho tới nay, 1.386 cá nhân và 171 công ty của Nga đã được đưa vào danh sách trừng phạt.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, phương Tây đã áp 9 gói trừng phạt đối với Nga, nhắm vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như giới doanh nhân, chính trị gia và nhà báo. Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới, với hàng chục nghìn lệnh cấm vận được áp lên các cá nhân và tổ chức của nước này.