EU thành lập nhóm đặc biệt xử lý tài sản bị phong tỏa của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục đích của nhóm là sử dụng các tài sản bị đóng băng và bất động sản của Nga phù hợp với luật pháp EU và quốc tế.

EU ra mắt nhóm đặc biệt xử lý tài sản bị phong tỏa của Nga. Ảnh: Reuters
EU ra mắt nhóm đặc biệt xử lý tài sản bị phong tỏa của Nga. Ảnh: Reuters

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua việc thành lập Nhóm công tác có nhiệm vụ lên kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng và bất động sản của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine, Reuters đưa tin.

Trong thông báo của chính phủ Thụy Điển, hiện đảm nhận Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, nhóm đặc biệt này sẽ do ông Anders Ahnlid, lãnh đạo Ủy ban Thương mại quốc gia Thụy Điển, đứng đầu.

Mục đích của Nhóm công tác là giải quyết việc sử dụng các tài sản bị phong tỏa và bất động của Nga phù hợp với luật pháp EU và quốc tế. Nhóm này sẽ chịu trách nhiệm phân tích pháp lý, tài chính, kinh tế và chính trị về tính khả thi của việc chuyển các tài sản của Nga sang Ukraine với sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác quốc tế.

Theo ông Ahnlid, trong số các tài sản quan trọng của Nga bị phong tỏa, có quỹ ngân hàng Trung ương Nga với số dư lên tới hàng chục tỷ USD.

Vào tháng trước, tờ Bloomberg cho biết các quốc gia thành viên EU có thẩm quyền pháp lý tạm thời sử dụng ít nhất hơn 33 tỷ euro tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga để giúp chi trả cho việc tái thiết Ukraine.

Cũng trong ngày 15/2, các nước thành viên EU đã nhóm họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) để thảo luận về gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, gói trừng phạt mới này dự kiến khiến Moscow thiệt hại khoảng 11 tỷ euro (tương đương 11,8 tỷ USD).

Gói trừng phạt mới này nhắm vào nhiều lĩnh vực của Nga, như: tài chính, xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng, vũ khí, và các loại linh kiện điện tử khác.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 15/2. Ảnh: AFP
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 15/2. Ảnh: AFP

Theo đó, EU sẽ cắt 4 ngân hàng của Nga ra khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu có trụ sở tại Bỉ); ngừng nhập khẩu các sản phẩm cao su và nhựa đường từ Nga; cấm Nga nhập khẩu các loại vi mạch và linh kiện điện tử, các loại thép và nhôm và máy móc được dùng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.

Bên cạnh đó, EU còn đề xuất hạn chế nhiều hơn nữa đối với các liên doanh  giữa châu Âu với Nga và các công dân Nga tham gia vào hội đồng quản trị ở châu Âu.

Theo bà Leyen, gói trừng phạt mới này có thể nhắm cả vào Iran vì nước này có những hành động hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Gói trừng phạt thứ 10 dự kiến được công bố trước ngày 24/2 - thời điểm đánh dấu 1 năm xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, hiện các đề xuất vẫn chưa đạt được đồng thuận từ các thành viên trong khối.

Mục tiêu của gói trừng phạt thứ 10 là mở rộng trừng phạt Nga và khắc phục những lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt hiện có, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ hơn lĩnh vực xuất nhập khẩu của Nga.

Ngoài ra, các nước EU cũng sẽ nỗ lực theo dõi các tài sản bị đóng băng của Nga ở châu Âu nhằm tìm cách chuyển những tài sản này cho Ukraine tái thiết sau cuộc xung đột.