Euroclear, IMF cảnh báo hậu quả từ việc tịch thu tài sản đóng băng của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm thanh toán và lưu ký chứng khoán Euroclear nói rằng việc tịch thu tiền từ tài sản bị đóng băng của Nga có thể làm suy yếu hệ thống tài chính châu Âu. Trong khi đó, IMF cũng bày tỏ sự thận trọng về kế hoạch này.

Euroclear đang nắm giữ khoảng 191 tỷ euro (205 tỷ USD) tài sản bị phong tỏa của Nga. Ảnh: RT
Euroclear đang nắm giữ khoảng 191 tỷ euro (205 tỷ USD) tài sản bị phong tỏa của Nga. Ảnh: RT

Theo RT, Giám đốc điều hành (CEO) của Trung tâm thanh toán và lưu ký chứng khoán Euroclear có trụ sở tại Brussels, bà Lieve Mostrey, cảnh báo kế hoạch của G7 nhằm sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga làm điểm tựa để phát hành các khoản vay tái thiết Ukraine.

Theo quan chức cấp cao của Euroclear, động thái này có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính của châu Âu.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm 14/2, bà Mostrey nói rằng kế hoạch này sẽ “gần giống với việc tịch thu gián tiếp” tài sản và sẽ khiến Euroclear phải đối mặt với các khiếu nại pháp lý.

Bà Mostrey cảnh báo, khi thu giữ tài sản Nga, niềm tin vào hệ thống của Euroclear, lòng tin vào thị trường tài chính châu Âu cũng như đồng euro sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sức hấp dẫn của đồng euro và thị trường vốn châu Âu đối với các nhà đầu tư quốc tế” - CEO của Euroclear nhấn mạnh.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn tờ báo Anh, bà Mostrey đã bày tỏ sự phản đối kế hoạch mà Bỉ đề xuất gần đây với G7 về việc sử dụng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga làm tài sản thế chấp để tăng nợ và buộc Nga phải trả nợ hoặc tịch thu tài sản nếu Moscow không trả nợ.

“Việc dùng tài sản không thuộc sở hữu của bạn làm tài sản thế chấp cũng tương tự việc tịch thu gián tiếp hoặc cam kết tịch thu sau này. Điều này có thể tạo ra tác động với thị trường giống hệt việc tịch thu trực tiếp" - bà Mostrey cho hay.

Trong khi đó, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath đầu tuần này cũng cảnh báo rằng bất kỳ bước đi nào nhằm tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga đều phải có được “sự hỗ trợ pháp lý đầy đủ”.

Theo Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, các nhà phân tích của IMF sẽ đánh giá tác động của bất kỳ quyết định nào được đưa ra đối với các thành viên của quỹ và đối với nền kinh tế toàn cầu, nếu và khi điều đó xảy ra.

Các cảnh báo mới nhất được Euroclear và IMF đưa ra khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang lên kế hoạch tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Các nước phương Tây đã phong tỏa tài sản ước tính 300 tỷ  USD của ngân hàng trung ương Nga vào tháng 2/2022. Trong đó, Euroclear nắm giữ khoảng 191 tỷ euro (205 tỷ USD) tài sản bị phong tỏa của Nga và đã tích lũy gần 4,4 tỷ euro tiền lãi trong năm qua.

Đầu tuần này, Hội đồng châu Âu đã thực hiện các bước nhằm thu giữ tiền lãi từ tài sản bị đóng băng của Nga. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Washington tiếp tục thảo luận với các đồng minh, bao gồm cả G7 về những cách thức tiềm năng để tịch thu tài sản của Nga.

Mỹ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc tịch thu số tiền bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết sau chiến tranh. Tuy nhiên, một số quốc gia EU, đặc biệt là Đức, Pháp và Italia, đã phản đối kế hoạch này, khi cho rằng tài sản có chủ quyền được miễn trừ theo luật pháp quốc tế.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cảnh báo rằng động thái này có thể làm suy yếu đồng euro bằng cách cho rằng tài sản được cất giữ bằng đồng tiền này có thể không an toàn.

Về phần mình, Nga nhiều lần tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU là bất hợp pháp, đồng thời khẳng định rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm đoạt hoàn toàn tiền của họ sẽ tương đương với hành vi trộm cắp và chịu hậu quả liên quan. Các quan chức Nga cũng lưu ý rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ làm suy yếu thêm niềm tin vào hệ thống tài chính phương Tây.