Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EVN than khó trong vận hành hệ thống điện quốc gia

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tỷ trọng điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) ngày càng lớn đang gây ra nhiều bất cập trong việc vận hành hệ thống điện. Giá điện EVN sản xuất so với giá điện chào bán của EVN với các nhà đầu tư khác hiện như thế nào?

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Khắc Kiên
Việc EVN cắt giảm việc phát điện năng lượng tái tạo, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư? Có hay không EVN chỉ ưu tiên mua điện từ các dự án của mình? Đó là nội dung chính tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chuyên gia về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia chiều 4/5.
Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) Nguyễn Đức Ninh cho biết, dù nguồn phát từ năng lượng tái tạo (NLTT) có bùng nổ với khoảng 20.000MW năm 2021, chiếm tỷ trọng công suất trên 30%, nhưng sản lượng điện phát chỉ chiếm 12% tổng sản lượng. Trong tổng công suất nguồn, nhiệt điện than vẫn chiếm tới 40%, và cũng chỉ khai thác thực tế đến 80% công suất. Việc cung cấp điện các năm tới vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống.
Thống kê cho thấy, hiện tỷ trọng năng lượng tái tạo đóng góp lên tới 60% phụ tải đỉnh vào khung giờ trưa và được ưu tiên huy động tối đa. A0 gần như phải dừng mua từ các thủy điện vào khoảng thời gian trưa. Các thủy điện ở miền Trung và miền Nam, với gần 8.000 MW, cũng phải dừng hoạt động để ưu tiên mua điện năng lượng tái tạo.
Từ năm 2019 đến hết 2020 có sự bùng nổ năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió, kéo theo hiều bất cập trong vận hành hệ thống điện. Như Ninh Thuận, địa phương có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW điện nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, lượng điện năng lượng mặt trời, áp mái cắt giảm khoảng 447,5 triệu kWh, chiếm 13,3%. Dự kiến cả năm 2021 sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh, chiếm 9% tổng sản lượng năng lượng tái tạo. Công suất cắt nhìn có vẻ nhiều nhưng sản lượng thực tế phát so với tổng công suất của các dự án thì lại rất thấp. Vì vậy, do tính chất bất định của năng lượng tái tạo nên các tổ máy điện truyền thống như than, khí, dầu phải điều chỉnh rất nhiều gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Với một dự án điện than, khí dầu, mỗi lần tắt máy và khởi động lại như vậy chi phí lên tới cả chục tỷ đồng, chưa kể gây ngu cơ hỏng hóc, giảm tuổi thọ máy.
Công nhân EVNHANOI áp dụng công nghệ kiểm tra hệ thống vận hành Trạm biến áp 110kV Minh Khai và nhánh rẻ đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Khắc Kiên
“Năm 2020 có 142 lần tắt, khởi động các tổ máy điện truyền thống gây ra rất nhiều câu hỏi về chế độ vận hành của các chủ đầu tư dự án. Các nhà máy điện truyền thống, vì ưu tiên mua điện năng lượng tái tạo, nên cũng đang bị thiệt hại rất lớn” - vị này nói.
Theo GS TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, việc các dự án NLTT bùng nổ đang kéo theo những khó khăn về quản lý Nhà nước. Bất cập hiện nay là khi phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời, các UBND tỉnh không tham khảo ý kiến của bên bán điện về những khó khăn trong việc vận hành, đấu nối. Cơ quan lập quy hoạch điện là Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng bị đứng ngoài cuộc trong việc phê duyệt dự án. Những điều này dẫn đến quá trình thiếu kiểm soát trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cũng cho rằng, việc bùng nổ các dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án. Bộ Công Thương và EVN chỉ là đơn vị được cập nhật thông tin về sau khi các dự án được phê duyệt.
Về việc một số dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) sau khi được xây dựng đã bán giấy phép, chuyển nhượng để kiếm lợi nhuận, Trưởng ban Ban Pháp chế EVN Nguyễn Minh Khoa cho rằng, các nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió, theo quy định Luật Đầu tư, sẽ do UBND cấp tỉnh cấp dự án. Luật quy định, khi địa phương cấp phép dự án, EVN không được phép từ chối mua điện mà chỉ được tham gia phần đàm phán về giá.
Lãnh đạo EVN trao đổi thông tin với các chuyên gia. Ảnh: Khắc Kiên
“Thường các thông tin đưa trên truyền thông là chuyển nhượng dự án nhưng thực tế là chỉ chuyển nhượng cổ phần, bán bớt phần vốn chứ không bán lại cả dự án. Khi cổ đông của dự án chuyển nhượng cho cổ đông hoặc nhà đầu tư khác thì tuân theo luật. Khi cấp phép, UBND cấp tỉnh đều có quy định cũng như yêu cầu thực hiện ít nhất 20 năm dự án" - vị này nói.
Thủy điện và phá rừng gây thiệt hại ở các địa phương thời gian qua, giá điện EVN sản xuất so với giá điện chào bán của EVN so với các nhà đầu tư khác hiện như thế nào, đơn vị nào bán cao hơn… là những vấn đề được TS Lê Đăng Doanh và TS Nguyễn Minh Phong đặt ra với lãnh đạo ngành điện. Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cũng nêu nhiều ý kiến phàn nàn về việc EVN cắt giảm việc phát điện năng lượng tái tạo, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Có hay không EVN chỉ ưu tiên mua điện từ các dự án của mình?
Trả lời câu hỏi của các chuyên gia, Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho hay, việc cắt giảm phải theo quy định. EVN cũng có báo cáo với Bộ Công Thương về quy trình cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo. Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, các nguồn năng lượng tái tạo khi quá tải thì phải ưu tiên huy động nhiều nhất. Sau khi huy động vẫn còn thừa thì sẽ cắt giảm đồng đều như nhau, cả với dự án năng lượng mặt trời và điện gió. “Không có chuyện ưu tiên mua điện từ các dự án của EVN mà cắt các dự án điện bên ngoài” - ông Hải nhấn mạnh.