Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G 20: Đạt thỏa thuận lộ trình giám sát về mất cân bằng nền kinh tế toàn cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hồi phục, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vấn đề mất cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G 20 diễn ra tại Pháp trong hai ngày 18 - 19/2 vừa qua.

KTĐT - Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hồi phục, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vấn đề mất cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G 20 diễn ra tại Pháp trong hai ngày 18 - 19/2 vừa qua.

 

Điển hình của sự mất cân bằng đó là các nước mới nổi tăng trưởng quá nhanh trong khi các quốc gia tiên tiến vẫn đang phải đối mặt với sự trì trệ. Vì vậy, tranh cãi là điều không tránh khỏi vì vấn đề này đụng chạm đến quyền lợi kinh tế của các quốc gia thành viên. Mỹ cho rằng, Trung Quốc, Đức và Nhật cần phải kích thích tiêu dùng trong nước thay vì trông chờ tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu, đặc biệt khi thị trường Mỹ không còn góp phần đáng kể trong việc dẫn dắt phát triển toàn cầu do kinh tế nước này vẫn phục hồi chậm. Ngược lại, các quốc gia cũng phản đối chính sách tiền tệ và chính sách bảo hộ khắt khe của Mỹ đã ngăn cản các nước khác thâm nhập vào thị trường này.

 

Hội nghị G 20 lần này đã đạt được một thỏa thuận về lộ trình giám sát sự mất cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, công cụ đo lường để đưa ra chuẩn đoán chung cho mất cân bằng kinh tế toàn cầu được xây dựng dựa trên 5 chỉ số là tỉ giá ngoại hối, dự trữ tiền tệ, cán cân vãng lai (đo lượng tiền đi vào và đi ra khỏi một quốc gia), nợ và thâm hụt Nhà nước, nợ khu vực tư nhân. Trong cuộc họp G 20 vào tháng 4 tới, các nước thành viên sẽ cố gắng để tìm được cách thức đánh giá từng chỉ số cụ thể. Dựa trên các kết quả đạt được trên, trong nửa sau của năm nay, G 20 sẽ đề xuất các chính sách kinh tế đối với những nước đang ở tình trạng thặng dư hoặc thâm hụt thái quá. Sau khi Hội nghị kết thúc, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde nhấn mạnh: "Chúng ta đã quyết định tỏ rõ sự kiên quyết và dũng cảm khi nỗ lực xây dựng một nền tăng trưởng cân bằng hơn, vững chắc hơn và tạo ra được nhiều việc làm hơn".

 

Bên cạnh sự đồng thuận phải rất vất vả mới có được, Hội nghị G20 lần này cũng trở thành diễn đàn tranh luận gay gắt giữa các nước về vấn đề lạm phát. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho rằng, tốc độ tăng trưởng cao ở các nền kinh tế mới nổi cùng chính sách duy trì tỷ giá nội tệ ở mức giá thấp hơn thực tế đã dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao. Ngược lại, Trung Quốc đổ lỗi cho gói cứu trợ trị giá 600 tỷ USD mà FED ban hành đã khiến dòng tiền "nóng" tràn vào các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc khiến giá cả hàng hóa tăng. Trong khi đó, Chủ tịch Hãng Dịch vụ tài chính Morgan Stanley châu Á Stephen S. Roach thì cảnh báo, châu Á đang vướng vào một cái "bẫy lạm phát" do nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Trong 12 tháng qua, chỉ số lạm phát châu Á tăng 5,3%, trong đó, hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ tăng lần lượt 5% và 8%. Ông Roach nhấn mạnh, các biện pháp mạnh tay mà chính phủ Trung Quốc áp dụng trong thời gian qua là ví dụ tiêu biểu cho thách thức mà châu Á đang đối mặt: Cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào xuất khẩu sang dựa vào nhu cầu nội địa để chống lạm phát. Tuy nhiên, điều đó sẽ không thể diễn ra nếu không tăng lương khi sức mua của người dân và trong bối cảnh lạm phát hoành hành, những nỗ lực trên có thể sẽ thổi bùng nguy cơ "tăng lương - tăng giá".