Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G7 cam kết giúp Ukraine khôi phục hạ tầng năng lượng khi mùa đông đến gần

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm G7 nhất trí cho rằng cần hỗ trợ Ukraine khôi phục và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu khi 40% lưới điện của nước này hư hại vì đạn pháo trong mấy tuần gần đây.

Cuộc họp thượng định của các ngoại trưởng G7  diễn ra từ ngày 3-4/11 tại TP Muenster, Đức. Ảnh: Reuters
Cuộc họp thượng định của các ngoại trưởng G7  diễn ra từ ngày 3-4/11 tại TP Muenster, Đức. Ảnh: Reuters

Sau hai ngày họp thượng đỉnh tại Đức, Ngoại trưởng các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ngày 4/11 đã thống nhất cơ chế điều phối hỗ trợ Ukraine bảo vệ hạ tầng năng lượng.

Washington Post đưa tin, trong tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 3-4/11, ngoài việc cam kết đưa ra “gói viện trợ mùa Đông” cho Ukraine, các nước G7 đã cam kết hỗ trợ Ukraine bảo vệ những nhà máy điện cũng như hạ tầng truyền tải điện trước những cuộc tấn công của Nga, Tuy nhiên, tuyên bố chung không nêu rõ là sẽ cung cấp thiết bị và vũ khí phòng không tới mức độ nào.

Theo tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7, công cuộc tái thiết Ukraine cần phải được tiến hành ngay lập tức, ngay cả khi xung đột với Nga vẫn đang tiếp diễn.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp thượng đỉnh, Ngoại trưởng các nước G7, gồm Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản, Canada và Italia cũng thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Trước đó, hôm 2/11, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng các cuộc tấn công gần đây của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine là "tội ác diệt chủng".

Phía Ukraine cho biết, 40% lưới điện của nước này đã bị hư hại chỉ trong mấy tuần gần đây, vào thời điểm mùa đông đang tới và người dân Ukraine cần năng lượng để sưởi ấm. Theo báo cáo của giới chức Kiev, khoảng 4,5 triệu người dân tại Ukraine đang bị cắt điện, trong đó có 450.000 cư dân ở thủ đô Kiev.

Trước đó cùng ngày, Reuters đưa tin, các nước G7 và Australia đã nhất trí thiết lập một mức giá cố định sau khi đạt đồng thuận về chính sách áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Theo nguồn tin từ G7, nhóm này đã nhất trí về mức giá trần cố định và sẽ theo dõi thường xuyên để điều chỉnh khi cần thiết, qua đó góp phần nâng cao sự ổn định của thị trường.

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, nhóm G7 đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, theo đó dầu thô bị áp giá trần từ ngày 5/12/2022, còn các sản phẩm dầu mỏ bị áp giá trần từ ngày 5/2/2023. Việc áp giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moscow.

Trả lời câu hỏi của báo giới rằng liệu biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga sẽ đẩy giá khí đốt tăng cao hay không, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 4/11 khẳng định rằng ông tin tưởng  giải pháp này sẽ không tác động nhiều đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Trong một diễn biến liên quan Lầu Năm Góc hôm 4/11 công bố đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Gói vũ khí trị giá 400 triệu USD bao gồm xe tăng Liên Xô, tên lửa phòng không và máy bay không người lái cảm tử thu nhỏ.

Gói này gồm 45 xe tăng Liên Xô T-72 được tân trang lại mà Mỹ và Hà Lan mua từ Cộng hòa Czech. Ngoài ra, kinh phí cũng được sử dụng vào việc tân trang các tên lửa HAWK cũ của Mỹ để cung cấp cho quân đội Ukraine, và sửa chữa 250 xe bọc thép M1117 được Mỹ sử dụng từ những năm 1990.