Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G7 tính “chặn đứng” toàn bộ hàng hóa xuất khẩu sang Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang áp đặt lệnh cấm vận mới đối với phần lớn các mặt hàng xuất khẩu sang Nga trong nỗ lực gia tăng sức ép kinh tế lên Moscow.

G7 đang cân nhắc cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn sang Nga. Ảnh: Reuters
G7 đang cân nhắc cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn sang Nga. Ảnh: Reuters

Các đồng minh của Ukraine đang cân nhắc lệnh cấm vận đối với gần như tất cả hàng hóa xuất khẩu sang Nga, Bloomberg ngày 20/4 dẫn các nguồn tin thân cận cho hay.

Giới chức của Nhóm 7 nước kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) đang thảo luận ý tưởng này trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng 5 tới. Họ có ý định thuyết phục các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia vào biện pháp trừng phạt mới này. 

Cách tiếp cận mới sẽ hoàn toàn khác chính sách trừng phạt hiện tại, theo đó gần như tất cả các mặt hàng bị cấm xuất khẩu sang Nga, ngoài một số mặt hàng được miễn trừ. Theo tiêu chí trừng phạt hiện nay của phương Tây, tất cả các hàng hóa đều được phép xuất khẩu sang Nga ngoại trừ những mặt hàng bị trừng phạt.

Nếu các nhà lãnh đạo G7 nhất trí với kế hoạch trừng phạt mới, họ sẽ thương lượng để thống nhất những mặt hàng nào được miễn trừ khỏi lệnh cấm xuất khẩu sang Nga. Theo một nguồn tin, có khả năng thuốc men và các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm sẽ được miễn trừ.

Nếu lệnh cấm mới này được thông qua, phần lớn dòng chảy thương mại còn lại từ các nước này sang Nga sẽ ngưng trệ.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt đã làm giảm gần một nửa giá trị xuất khẩu của EU và G7 sang Nga, với những hạn chế xuất khẩu bao phủ rộng từ đồ điện tử đến hàng xa xỉ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 66 tỷ USD hàng hóa từ châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản vẫn chảy vào Nga trong năm ngoái, theo Trade Data Monitor có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).

Các nhà phân tích cảnh báo rằng lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn của phương Tây đối với Nga có thể buộc Moscow phải trả đũa bằng những hạn chế đối với hàng xuất khẩu của chính mình. Ngoài ra, động thái này có thể khiến Nga xích lại gần Trung Quốc hơn khi nước này tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho hàng hóa bị cấm vận.

Phương Tây lách luật, đi cửa sau mua dầu của Nga

Đài RT đưa tin, báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) công bố ngày 19/4 cho biết, các quốc gia phương Tây cấm mua dầu trực tiếp của Nga đang mua gián tiếp từ các nước thứ ba.

Các quốc gia phương Tây đang mua gián tiếp dầu mỏ của Nga từ các nước thứ ba. Ảnh: RT
Các quốc gia phương Tây đang mua gián tiếp dầu mỏ của Nga từ các nước thứ ba. Ảnh: RT

CREA, được thành lập tại Helsinki (Phần Lan) vào năm 2019, là tổ chức tư vấn phi lợi nhuận nghiên cứu về năng lượng và ô nhiễm không khí.

Hồi tháng 12/2022, EU, G7 và các nước đồng minh đã áp lệnh cấm vận và giới hạn giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Các hạn chế tương tự đã được đưa ra vào tháng 2 đối với nhiều sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Theo báo cáo của CREA, mặc dù "liên minh giá trần" áp đặt biện pháp giới hạn giá với dầu thô nhập khẩu của Nga, song chính các nước này lại tăng cường mua các sản phẩm tinh chế từ các quốc gia "rửa" nguồn gốc dầu.

CREA nêu rõ, EU, Australia và hầu hết các nước G7 đã nhập khẩu tổng cộng 45,9 tỷ USD sản phẩm dầu từ những quốc gia đã trở thành khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga trong 12 tháng kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Theo CREA, trong "liên minh giá trần", EU là nhà nhập khẩu lớn nhất sản phẩm dầu từ các quốc gia "rửa dầu" với giá trị nhập khẩu đạt 19,4 tỷ USD kể từ tháng 2/2022.

Ngoài ra, Australia được cho là đã mua 8,8 tỷ USD dầu thô tinh chế trong giai đoạn 12 tháng, tiếp theo là Mỹ với 7,2 tỷ USD, Anh với 5,5 tỷ USD và Nhật Bản với 5,2 tỷ USD.

Tỷ lệ sản phẩm dầu nhập khẩu cao nhất vào các quốc gia "liên minh giá trần" là dầu diesel (29%), nhiên liệu máy bay (23%) và gasoil - sản phẩm chưng cất trung gian được sử dụng cho nhiên liệu diesel, làm nóng nhiên liệu hoặc đôi khi được coi như nhiên liệu (13%).

Trung tâm nghiên cứu CREA tiết lộ, xuất khẩu các sản phẩm dầu hàng tháng của Trung Quốc sang EU và Australia đã tăng vọt, vượt xa mức lịch sử vào cuối năm 2022.

Theo báo cáo dựa trên dữ liệu theo dõi tàu, các quốc gia “liên minh giá trần” đã tăng cường nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ Trung Quốc lên tới 94%, Thổ Nhĩ Kỳ 43%, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 23%, Singapore 33%, và Ấn Độ là 2%.

CREA cho biết, “liên minh giá trần” đóng góp phần lớn vào doanh thu xuất khẩu dầu của các quốc gia "rửa dầu". Theo CREA, 56% lượng dầu của Nga được vận chuyển đến các điểm đến mới bởi các tàu thuộc sở hữu hoặc được bảo hiểm của các quốc gia phương Tây.