Gần 42.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 41.660 DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng gần 46% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 8 tháng là 21.575 DN, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 8 tháng đầu năm là 41.660 DN, tăng gần 46%. Số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm là 9.135 DN, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước.

Bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ôtô, xe máy vẫn là lĩnh vực có số DN hoàn tất thủ tục đóng cửa lớn nhất, với 3.500 công ty. Kế đến là chế biến, chế tạo với 1.300 DN; xây dựng 992 DN...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng DN chờ giải thể trong 8 tháng qua tăng mạnh là vì từ tháng 4 đến nay, các địa phương đang tích cực chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về DN. Trong quá trình rà soát này, những DN đã thành lập từ lâu nhưng không còn hoạt động được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.

Ở chiều ngược lại, tính chung 8 tháng, cả nước có gần 87.450 DN thành lập mới, nhưng cũng có 63.235 đơn vị ngừng hoạt động có thời hạn hoặc chờ giải thể, tăng 38,1% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi ngày có 263 DN đóng cửa.

Tính theo khu vực, 3 khu vực có tỷ lệ DN đăng ký thành lập mới 8 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (tăng 5,9%), Đông Nam Bộ (tăng 4,2%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (tăng 1,2%).

Các khu vực còn lại có tỷ lệ DN đăng ký mới giảm, trong đó giảm mạnh nhất là khu vực Tây Nguyên (giảm 4,7%).

Tính theo nhóm ngành nghề, Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy có 29.646 DN đăng ký thành lập mới, chiếm 34%; xây dựng có 11.486 DN đăng ký thành lập mới, chiếm 13%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 10.877 DN, chiếm 12,4%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần