Trong phiên giao dịch đầu tuần (29/1), giá dầu thế giới giảm do đồng USD phục hồi và sản lượng khai thác dầu thô ở Mỹ tăng cao.
Giá “vàng đen” thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 30/1 trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi cơ quan năng lượng Mỹ công bố thống kê về lượng dầu dự trữ hàng tuần của nước này vào cuối ngày.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ vượt Ả Rập Saudi, vượt mức 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018. Các nhà phân tích cảnh báo rằng mức tăng sản lượng dầu từ Mỹ, Canada và Brazil sẽ nhiều hơn so với mức tăng của nhu cầu dầu toàn cầu trong thời gian từ nay cho tới hết năm 2018.
Sang phiên giao dịch ngày 31/1, giá dầu phục hồi trở lại sau khi đi xuống vào đầu phiên. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu dự trữ của nước này tăng lần đầu tiên trong gần 3 tháng.
Tuy nhiên, thông tin tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường này đã được hạn chế bởi nhu cầu xăng và các chế phẩm chưng cất tăng mạnh, cùng với thông tin rằng các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn đang mạnh tay cắt giảm nguồn cung trong tháng 1/2018.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 6,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/1 lên mức 418,4 triệu thùng, qua đó chấm dứt chuỗi suy giảm 10 tuần liên tiếp. Con số trên vượt xa mức dự báo tăng 126.000 thùng của giới chuyên gia.
Giá dầu duy trì đà tăng trong phiên giao dịch 1/2 sau khi kết quả cuộc thăm dò do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy các nước trong và ngoài OPEC, bao gồm cả Nga, đều đang tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng khá nghiêm túc và mức cắt giảm tăng lên mức 138% trong tháng 1/2018.
Các chuyên gia phân tích cho biết nỗ lực tuân thủ thỏa thuận đã giúp đẩy giá dầu thô leo dốc hơn 50% từ giữa năm 2017.
Theo thống kê mới nhất, giá dầu Brent và giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 1/2018. Đà tăng lần lượt ở mức 3,3% và 7,1%, đánh dấu mức tăng giá đầu năm mạnh nhất trong 5 năm đối với dầu Brent và mạnh nhất trong 12 năm đối với giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ.
Sau phiên tăng mạnh hôm thứ Năm, giá dầu quay đầu giảm trong phiên cuối tuần và mất khoảng 1% trong cả tuần sau khi số liệu liệu gần đây cho thấy sản lượng dầu thô Mỹ đang ở mức cao kỷ lục.
Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 3 giảm 35 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 65,45 USD/thùng tại thị trường New York. Giá dầu này hôm 1/2 tăng vọt 1,7% - mức tăng mạnh nhất theo ngày kể từ 24/1. Tính cả tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI sụt khoảng 1%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn mất 1,07 USD, khoảng 1,5%, xuống còn 68,58 USD/thùng, và tính chung trong tuần mặt hàng dầu này giảm 2,2%.
Tuần này, EIA cho biết sản lượng dầu tại Mỹ trong tháng 11/2017 đã vượt mốc 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên trong gần 50 năm, qua đó làm dấy lên lo ngại thị trường sẽ trong tình trạng bão hòa dầu thô.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 6 giàn lên 765 giàn, đồng thời ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp và cho thấy các hoạt động khai thác dầu đang gia tăng.
Tariq Zahir - Thành viên quản lý tại Tyche Capital Advisors, lưu ý giá dầu cũng chịu áp lực bởi việc bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Chuyên gia Zahir phân tích: “Chứng khoán bị bán tháo, vốn thúc đẩy đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, đã khiến hầu hết các thị trường chuyển sang tâm lý né tránh rủi ro”.
Cuộc khảo sát của Reuters dự báo giá dầu thế giới sẽ khó vượt trên 70 USD/thùng trong năm 2018, khi thị trường năng lượng vẫn bị giằng co giữa nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và hoạt động gia tăng sản xuất tại Mỹ.
Trong khi đó, Ole Hansen của Saxo Bank gần đây đã cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể sụt xuống 60 USD/thùng, một phần do đà leo dốc của sản lượng tại Mỹ.