KTĐT - Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3/2011 tăng 5,22 USD, lên 91,42 USD/thùng vào cuối ngày, mức cao nhất trong vòng hai tuần trở lại đây.
Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 21/2 tiếp tục tăng mạnh, lên mức 108 USD/thùng.
Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3/2011 tăng 5,22 USD, lên 91,42 USD/thùng vào cuối ngày, mức cao nhất trong vòng hai tuần trở lại đây.
Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 4/2011 cũng tăng 3,22 USD (khoảng 3,2%), đứng ở mức 105,74 USD/thùng, sau khi có lúc đã tăng đến 108 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 4/2/2008.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao kỷ lục trong những ngày qua chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại tình trạng bạo lực ở Libya có thể khiến nguồn cung dầu mỏ từ nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này bị gián đoạn.
Trên thực tế, châu Âu tiêu thụ tới gần 10% sản lượng dầu khí của Libya. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) cho biết, với sản lượng trung bình 1,55 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2010, Libya đứng hàng thứ chín trong số các quốc gia sản xuất dầu lửa của OPEC và đứng thứ 18 trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Cơ quan chuyên phân tích thị trường dầu lửa Thụy Sĩ Petromatrix, quốc gia Bắc Phi này cung cấp tới 9,84% nhu cầu dầu lửa của châu Âu, trong đó Italy mua tới 23,2% sản lượng dầu của Libya, Pháp là 15,8% và Tây Ban Nha là 13%.
Hơn nữa, các quốc gia nhỏ tại châu Âu lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng cung cấp từ Libya, như Áo phải nhập tới 23% nguồn dầu khí từ Tripoli và Ireland là 23,6%.
Ngoài ra, Libya còn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường châu Âu do vị trí địa lý của quốc gia này, khi một chuyến tàu chở dầu xuất phát từ cảng của Libya chỉ cần một đến hai ngày là có thể tới châu Âu. Chính vì vậy, sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất và sinh hoạt tại châu Âu.
Hiện các thị trường dầu khí trên thế giới đang theo dõi sát sao tình hình chính trị tại Libya cũng như tác động của nó tới hoạt động sản xuất dầu khí của quốc gia này.
Tuy nhiên, trước tình hình giá dầu Brent biển Bắc tại thị trường châu Âu tăng cao, Thứ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút, nước cung cấp dầu lớn nhất thế giới, Thái tử Abdul Aziz bin Salman cho rằng thị trường dầu mỏ thế giới hiện vẫn ổn định và không cần bất cứ một sự can thiệp nào.
Theo ông Abdul Aziz, thị trưởng dầu mỏ thế giới đang cân bằng và dự trữ cũng đang ở mức ổn định. Vấn đề hiện nay là cần xem xét và điều chỉnh một mức giá hợp lý, tốt nhất trong khoảng từ 70 đến 80 USD/thùng, mức giá cùng chấp nhận được đối với cả người sản xuất và tiêu dùng./.