Gia tăng bệnh nhân nhập viện do thời tiết nồm ẩm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nên các bệnh đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ.

Nhiều trường hợp mắc bệnh hô hấp

Trong những ngày gần đây, khoa nhi của các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện với các triệu chứng liên quan đến bệnh hô hấp.  Ngoài ra, một số bệnh viện cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân nấm da, viêm da dị ứng, mề đay…

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho thấy, nhiều trường hợp do mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi họng, cúm, viêm phổi, viêm phế quản…

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám cho bệnh nhi. Ảnh: Ngọc Tú
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám cho bệnh nhi. Ảnh: Ngọc Tú

Theo thống kê của bệnh viện, trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận và khám cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Đáng lưu ý, số bệnh nhi đến khám tăng cao, khoảng 150 ca/ngày, trong đó có 30 ca nhập viện. Hầu hết bệnh nhi đến khám và nhập viện đều liên quan đến bệnh về đường hô hấp.

Đưa con đến khám tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chị T.T.S. (Long Biên, Hà Nội) cho biết, bé trai gần 2 tuổi có biểu hiện ho, chảy mũi. Dù trước đó, gia đình đã cho cháu đi khám, điều trị, uống hai đợt thuốc với các loại kháng sinh, tiêu đờm, siro… của phòng khám tư nhưng không khỏi. Nay, gia đình đưa đến bệnh viện khám, hi vọng sẽ được điều trị triệt để.

Nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp do tác động bởi thời tiết nồm ẩm.
Nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp do tác động bởi thời tiết nồm ẩm.

Ngồi chờ khám tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ông N.H.V. (Thạch Bàn, Long Biên) cho biết, bản thân ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gần 15  năm nay nên mỗi khi thời tiết thay đổi, ông đều bị khó thở, mệt mỏi, các triệu chứng bệnh càng trầm trọng hơn. Vì vậy, ông V. được người nhà đưa đi khám, dự phòng bệnh có nguy cơ trở nặng thêm.

Lý giải về nguyên nhân khiến các bệnh đường hô hấp gia tăng trong thời tiết nồm ẩm, TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, đầu mùa Xuân là giai đoạn thời tiết thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển nói chung, trong đó có nhóm vi khuẩn, virus, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển, tăng lên, dễ lây lan qua đường hô hấp.

Nhiều bệnh nhân cao tuổi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Ngọc Tú
Nhiều bệnh nhân cao tuổi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Ngọc Tú

Đây cũng là giai đoạn thời tiết thay đổi liên tục, hệ miễn dịch trên cơ thể con người chuyển đổi không kịp nên dễ bị mắc bệnh.

“Thời điểm hiện nay, bệnh hay gặp nhất là bệnh về đường hô hấp trên ở trẻ em, viêm mũi họng, viêm xoang, cúm, bệnh về đường tiêu hóa (như Rota virus do ăn uống), bệnh lý về da cũng tăng lên đột biến. Ngoài ra, còn một số bệnh về virus, sốt virus…” - TS Nguyễn Văn Thường cho hay.

Chủ động phòng bệnh

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thời gian gần đây, đơn vị cũng tiếp nhận lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng so với thời điểm trước. Trong đó, số bệnh nhân mắc cúm và viêm phế quản đến khám và điều trị trong tuần này tăng mạnh so với tuần trước. Nhiều trẻ nhập viện mắc bệnh lý viêm phổi hay một số bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sốt virus, bệnh sởi...

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn có khoảng 100 bệnh nhi điều trị, trong đó phần lớn trẻ mắc viêm phổi, cúm, sốt virus… Có trẻ khi cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ôxy.

Với những bệnh nhân bệnh phổi mạn tính có nền sức khỏe kém cùng với yếu tố môi trường không thuận lợi, càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.
Với những bệnh nhân bệnh phổi mạn tính có nền sức khỏe kém cùng với yếu tố môi trường không thuận lợi, càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, 1-2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản…) đến khám tăng khoảng 20-30% so với ngày thường do thời tiết thay đổi liên tục, nóng ẩm.

Hiện tại Khoa Hô hấp và Bệnh phổi đang điều trị cho một số bệnh nhân có diễn biến phức tạp, diễn tiến bệnh nhanh, nặng hơn thời gian trước rất nhiều. Buổi sáng bệnh nhân có thể bình thường nhưng buổi chiều đã xuất hiện các cơn khó thở, co thắt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Giang - Phó trưởng Khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, với những bệnh nhân bệnh phổi mạn tính có nền sức khỏe kém cùng với yếu tố môi trường không thuận lợi, càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.

Đặc biệt, theo các bác sĩ, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết nhất. Khi thời tiết thay đổi, trời lạnh quá hay nồm ẩm, trẻ em sức đề kháng kém rất dễ ốm, nhất là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám cho bệnh nhi mắc viêm phổi.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám cho bệnh nhi mắc viêm phổi.

Trường hợp trẻ mắc bệnh nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát. Ngoài ra, người dân lưu ý đến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm như thủy đậu, sốt virus, bệnh sởi.

TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân chủ động tiêm các loại vaccine theo độ tuổi. Hạn chế đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tránh nguồn lây hoặc nếu tiếp xúc nên đeo khẩu trang. Ngoài ra, cần giữ vệ sinh môi trường, làm khô không gian sống; vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, hạn chế bị nhiễm bệnh.

Đối với người già và trẻ nhỏ, khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn. Với các triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt, đau họng..., hãy đến khám tại các cơ sở y tế. Người dân không nên tự mua thuốc kháng sinh điều trị, không dùng lại đơn thuốc cũ, đặc biệt không truyền dịch tại nhà…