Số ca mắc sốt xuất huyết có giảm nhưng vẫn ở mức cao:

Người dân không nên chủ quan dịch bệnh trong thời tiết nồm ẩm

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những tuần đầu năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tuy có giảm so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, nhất là trong thời tiết nồm ẩm như hiện nay là điều kiện để muỗi vằn sinh sôi, phát triển.

Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 27/1 đến 3/2), Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 22 trường hợp so với tuần trước). Dự báo, trong thời gian tới, có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 88 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9,7 lần so với cùng kỳ năm 2022), không ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 22/30 quận, huyện, thị xã; 66/579 xã, phường, thị trấn.

Cũng theo CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong những tuần đầu năm 2023 mặc dù giảm so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, TP cần tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó cần tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Đặc biệt, thường xuyên giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, qua đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Thực hiện các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.
Thực hiện các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Để phòng chống dịch hiệu quả, người dân không được chủ quan, nhất là trong thời tiết nồm ẩm như hiện nay là điều kiện để muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Vì vậy, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với việc ngủ màn, CDC Hà Nội kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo phân cấp tại từng tuyến. Trong đó, thực hiện việc giám sát ca bệnh tại các cơ sở y tế hàng ngày; lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm đạt yêu cầu về kỹ thuật, đáp ứng chẩn đoán sớm ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Phòng tránh trong mùa dịch bệnh

Thời điểm này, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo ghi nhận, số bệnh nhân đến khám liên quan đến dịch sốt xuất huyết tăng không nhiều. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, để phòng tránh trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ. Do muỗi sinh sống trong môi trường ẩm thấp, có nhiều nước tù đọng nên vấn đề vệ sinh môi trường rất quan trọng. Do đó, chúng ta cần phải vệ sinh môi trường xung quanh, nhà cửa sạch sẽ, thoáng khí, làm thông thoáng đường thở, nhằm tránh mắc bệnh sốt xuất huyết.

theo TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, để phòng tránh trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ.
theo TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, để phòng tránh trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Đỗ Anh - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, với trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết, trẻ có thể từ không triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/nặng. Do có tới 4 loại sốt xuất huyết Dengue, nên một người có thể nhiễm tới 4 lần. Thông thường bệnh sẽ diễn tiến với 4 giai đoạn: Ủ bệnh (5-7 ngày); sốt; nguy kịch/nguy hiểm và hồi phục. Trong đó trẻ có thể sốt 2-7 ngày kèm theo hiện tượng đau mỏi cơ, đau mắt, đau khớp, đau họng, đau đầu, nôn và buồn nôn; ban đỏ da, chấm xuất huyết dưới da...

Theo bác sĩ Đỗ Anh, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Nếu trẻ bị nhẹ chỉ cần điều trị ở nhà, cho trẻ nghỉ ngơi và hạ sốt. Cha mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt acetaminophen/paracetamol; không dùng Ibuprofen để hạ sốt.

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tư vấn người bệnh cần chú ý các dấu hiệu như mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… thì cần nhập viện gấp. Để đảm bảo sức khỏe, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám khi có các dấu hiệu sốt cao, chảy máu chân răng... tuyệt đối không tự điều trị bệnh tại nhà dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

“Khi người dân có những biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người nên đến các cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm, được thầy thuốc tư vấn, chỉ định. Không tự ý truyền dịch, truyền đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống…” - bác sĩ Nguyễn Thái Minh - Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa khuyến cáo.

Cũng theo các chuyên gia y tế, người dân không chủ quan với sốt xuất huyết. Khi có triệu chứng sốt cao, thuốc hạ sốt không có tác dụng, hoặc ho, đau mỏi cơ thể, nên đến cơ sở y tế khám ngay.

 

Năm 2022, dịch bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng mạnh trên địa bàn Hà Nội. Số mắc gia tăng mạnh nhất vào tháng 11 và đầu tháng 12/2022, trung bình mỗi tuần có từ 1.300-1.400 ca sốt xuất huyết. Trong năm 2022, TP ghi nhận tổng 19.581 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 ca tử vong. So với năm 2021, số ca mắc trong năm 2022 tăng gấp 5,8 lần và tăng 25 ca tử vong.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần