Giá tiêu hôm nay 19/1: Nguyên nhân giá tiêu Brazil tăng mạnh, hồi phục ở Indonesia

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 19/1 trong khoảng 56.000 - 59.000 đồng/kg. Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế bất ngờ điều chỉnh giá tiêu tại Brazil tăng mạnh. Trong khi thị trường trong nước giữ ổn định sau 2 phiên giảm liên tiếp khi Việt Nam bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Giá tiêu hôm nay 19/1: Nguyên nhân giá tiêu Brazil tăng mạnh, hồi phục ở Indonesia
Giá tiêu hôm nay 19/1: Nguyên nhân giá tiêu Brazil tăng mạnh, hồi phục ở Indonesia

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 57.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 56.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 57.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 59.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 58.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trước đó có 2 phiên giảm liên tiếp khi Việt Nam bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Kết thúc phiên hôm qua, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.549 USD/tấn, tăng 0,08%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.750 USD/tấn, tăng 5,45%; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 6.111 USD/tấn, tăng 0,11%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.250 - 3.350 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng ở mức 4.750 USD/tấn. Như vậy, IPC bất ngờ điều chỉnh giá tiêu tại Brazil tăng mạnh.

Theo các chuyên gia, đồng USD đang trên đà giảm sau khi một loạt dữ liệu kinh tế kỳ vọng rằng Fed có thể sắp tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất, là nguyên nhân giúp giá tiêu tại các quốc gia phục hồi.

Số liệu công bố mới đây cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm nhiều hơn so với dự kiến trong tháng 12, với mức giảm 1,1%, do lượng mua xe cơ giới và một loạt hàng hóa khác giảm. Trước đó, chỉ số này đã giảm 1,0% trong tháng 11. Một báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy chỉ số giá sản xuất trong tháng 12 đã giảm 0,5%, sau khi tăng 0,2% trong tháng 11. Báo cáo PPI theo sau dữ liệu tuần trước cho thấy, giá tiêu dùng hàng tháng đã giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm vào tháng 12.

Số liệu PPI và doanh số bán lẻ cho thấy lạm phát Mỹ đang tiếp tục giảm. Nếu nhu cầu giảm bớt, điều đó đồng nghĩa với việc giá sẽ giảm. Nếu đúng như vậy, thì Fed có thể bớt diều hâu hơn và có thể cắt giảm quy mô tăng lãi suất.

Thời điểm này, khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc xuống thấp, thị trường Việt Nam trầm lắng do bước vào đợt nghỉ lễ kéo dài, thì diễn biến đồng USD là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến giá tiêu xuất khẩu hiện tại.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 231.988 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 201.995 tấn, tiêu trắng đạt 29.993 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,3 triệu USD, tiêu đen đạt 811,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 173,8 triệu USD. So với năm 2021, lượng xuất khẩu giảm 12% tương đương 31.704 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9% tương đương 36,5 triệu USD.

Châu Á là khu vực đứng đầu nhập khẩu từ Việt Nam đạt 105.916 tấn, tuy nhiên so với năm trước xuất khẩu giảm 12,3%. Các khu vực khác cũng có lượng nhập khẩu giảm tương tự bao gồm châu Mỹ, nhập 60.099 tấn, giảm 8,5%; châu Âu: 53.543 tấn, giảm 14,4% và châu Phi: 12.430 tấn, giảm 15,1%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 54.686 tấn, giảm 8,5%. Tiếp theo là xuất khẩu sang Trung Quốc: 20.498 tấn, giảm 46,4%; UAE: 16.103 tấn, tăng 2,7%; Ấn Độ: 12.297 tấn, giảm 2,1%, Đức: 9.655 tấn, giảm 18,1%; Hà Lan: 8.103 tấn, giảm 20,1%…

Một số thị trường lớn có lượng nhập khẩu giảm bao gồm: Pakistan giảm 51,2%; Pháp giảm 46,2%; Úc giảm 45,3%; Ai Cập giảm 43,7%; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 35,9%; Nam Phi giảm 32,0%; Anh giảm 15,9%.

Tuy nhiên cũng có một số thị trường có lượng nhập khẩu tăng như: Singapore tăng 717,6%; HongKong tăng 611,1%; đặc biệt là thị trường Nga mặc dù đang bị ảnh hưởng bởi xung đột Đông – Âu nhưng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 21,1% đạt 6.291 tấn. Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu: Mỹ: 4.877 tấn, Đức: 4.223 tấn, Hà Lan: 2.856 tấn, Thái Lan: 2.324 tấn.