Giá trị của đầu tư bền vững

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như dự đoán, sau thông tin chính thức về việc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng giá chứng khoán. Hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" bị xả không thương tiếc, chất sàn hàng trăm triệu cổ phiếu, trắng bên mua.

Tuy nhiên, đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu có nền tảng tốt lại là trụ đỡ giúp VN-Index giảm đà lao dốc. BID tăng 2,71%, VIB tăng 4,68%, SSB tăng 4,25%, MBB tăng 2,03%, VPB tăng 1,1%, HDB tăng 2,72%, FPT phá đỉnh với mức tăng 1,05%...

Điều này cho thấy, dù tâm lý nhà đầu tư không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực bởi tin xấu nhưng xu hướng đầu tư giá trị lại phát huy hiệu quả trong các giai đoạn thị trường biến động. Câu chuyện thao túng thị trường của FLC cũng là bài học để nhà đầu tư cân nhắc về việc lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng bền vững, chứ không “chơi” chứng khoán theo cách đầu cơ, lãi cao nhưng rủi ro lại rất lớn. Đây cũng là thời điểm mà nhóm cổ phiếu làm ăn tốt, quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và uy tín từ người lãnh đạo sẽ hút hàng.

Theo các chuyên gia phân tích, hiện, nền tảng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tốt. VN-Index đang ở vùng cao nhất lịch sử sau rất nhiều biến cố và tác động tiêu cực từ Covid-19 trong 2 năm qua. Nền tảng thị trường phát triển bền vững dựa trên nhiều yếu tố vĩ mô và nội tại của thị trường. Trong khi các thông tin biến động ở từng DN hay nhóm ngành chỉ là những biến động ngắn hạn và nhỏ trong phạm vi liên quan mà thôi.

Theo thống kê của các chuyên gia, về định lượng, nhóm cổ phiếu thuộc “họ FLC” chỉ chiếm khoảng gần 1% về lượng cổ phiếu niêm yết, chiếm gần 0,35% về vốn hóa thị trường và chiếm hơn 2,3% về giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường năm 2021. Tổng doanh thu hệ sinh thái tập đoàn này vào khoản 13.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 500 triệu USD và chỉ bằng khoản 0,014% GDP Việt Nam. Về nợ bao gồm cả ngắn và dài hạn chưa tính Bamboo Airways vào khoảng 8.400 tỷ đồng, quá bé so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, nhà đầu tư cần bình tĩnh, tránh bị ảnh hưởng tâm lý thái quá, vì đây không phải là lần đầu thị trường xuất hiện các thông tin tương tự.

Đánh giá chung về thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn khá hấp dẫn. Năm 2022, kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng tích cực (dự báo năm 2022 có thể trên 7%); chính sách tiền tệ linh hoạt theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế phát triển với mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố khiến dòng tiền vận động tích cực trên thị trường chứng khoán; doanh thu và lợi nhuận của DN niêm yết tăng trưởng cao (dự báo năm 2022 là trên 25%)…

Ngoài ra, Việt Nam đang dần mở cửa trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt sẽ đem tới nhiều cơ hội phát triển trong dài hạn. Sự hồi phục của kinh tế nói chung và DN trong nhiều ngành nghề quan trọng sẽ là điểm thu hút đầu tư lớn, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có khuyến nghị, các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các DN để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần