Kinhtedothi - Những ngày qua, việc tăng giá xăng dầu đang khiến nhiều DN đứng ngồi không yên, bởi giá xăng dầu ở mức cao sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều loại dịch vụ, giá nguyên liệu đầu vào. Điều này buộc DN phải thận trọng tính toán phương án thích nghi, cân đối tài chính để duy trì hoạt động.

Giá xăng dầu tăng cao: Doanh nghiệp đứng ngồi không yên

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Chật vật xoay xở

Tổng Giám đốc Công ty CP May Sơn Hà Lê Hữu Phong chia sẻ, chi phí vận tải, logistics chiếm 8% trong doanh thu của DN. Hiện, công ty đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài, trong đó nhiều hợp đồng ký kết đến giữa năm 2022 và đều chốt được các đơn giá. Do vậy, việc xăng tăng giá mạnh sẽ khiến lợi nhuận của công ty giảm sút. Mặt dù, công ty đã giảm doanh thu năm 2021 từ 750 tỷ đồng xuống còn 700 tỷ đồng, song trước tình hình này thì doanh thu còn tiếp tục giảm.

Các doanh nghiệp vận tải, logistics chịu tác động mạnh bởi giá xăng dầu tăng cao. Ảnh minh họa 
Các doanh nghiệp vận tải, logistics chịu tác động mạnh bởi giá xăng dầu tăng cao. Ảnh minh họa 

Còn theo Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương, mặc dù tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, hàng hóa vận chuyển lưu thông thuận lợi nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao 20% so với cùng kỳ năm 2021 đã ảnh hưởng lớn đến DN. Nay khi chi phí từ xăng dầu tăng đột biến khiến DN buộc phải giải quyết bài toán về chi phí để có được mức giá ổn định nhất cho sản phẩm. Thời điểm này, nếu DN tăng giá thành của sản phẩm sẽ khiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn, tạo thêm khó khăn cho DN.

Không chỉ các DN sản xuất mà DN trong lĩnh vực vận tải, logistics cũng đang chịu tác động mạnh mẽ bởi giá xăng dầu tăng cao. Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín (Nhất Tín logistics) Nguyễn Văn Tú cho biết, công ty đang cung cấp các dịch vụ vận chuyển nói riêng và giải pháp logistics nói chung cho phần lớn đối tác, khách hàng DN trên toàn quốc.

Giữa các bên đều có sự thỏa thuận và thống nhất về giá cước vận chuyển khi thực hiện ký hợp đồng và Nhất Tín logistics vẫn đang áp dụng giá cước như đã công bố trong suốt quá trình hợp tác. Do vậy, khi giá xăng dầu tăng, gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại DN, bởi chi phí xăng dầu cho đội xe tải hơn 450 chiếc đang tăng lên từ 5 - 7%, trong khi giá cước thì không thay đổi.

Thích nghi với cơ chế thị trường

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên trường Học viện Tài Chính nhận định, ở Việt Nam, xăng dầu được coi là "máu" của nền kinh tế, Nhà nước quản lý nên có các kỳ điều chỉnh giá. Với mong muốn xây dựng thị trường xăng dầu có tính cạnh tranh, giá cả lên xuống theo cơ chế thị trường, Nhà nước đã rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 30 ngày xuống 15 ngày và nay là 10 ngày/lần (từ 1/1/2022). Với lộ trình này, trong tương lai, thời gian điều chỉnh có thể rút ngắn hơn nữa xuống 3 - 7 ngày/lần và dần dần giá xăng dầu hàng ngày sẽ vận động theo thế giới.

“Việc điều chỉnh giá xăng dầu theo thế giới là xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Các DN dù ở lĩnh vực nào đều phải thích nghi và có dự báo ngắn hạn, dài hạn để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp”.

 

"Đây là giai đoạn hết sức quan trọng, giai đoạn kinh tế tiếp tục phục hồi. Thế nên, điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý phải sát thực tế, linh hoạt, tập trung nhất quán vào mục tiêu làm sao để DN hoạt động hiệu quả, người dân có thu nhập tốt. Vì chỉ có thu nhập tốt, hàng hóa rẻ thì người dân mới chi tiêu, từ đó mới có thể kích cầu tiêu dùng, từ kích cầu chuyển sang kích cung, đưa nền kinh tế trở lại “đường ray” tăng trưởng." - PGS. TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính)

 

PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) phân tích, không chỉ các hoạt động vận tải, sản xuất, thương mại, dịch vụ mà hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu.

Hiện có hai công cụ để giảm bớt sự tăng giá là Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế. Nếu sử dụng hai chính sách này hợp lý thì sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu.

Trong bối cảnh cân nhắc điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ, nhiều giải pháp đã được các hiệp hội đưa ra để tiết giảm chi phí cho DN.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, các DN cần áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng xe tải đời mới nhằm tối ưu, tiết giảm, kiểm soát các chi phí. Song song đó là tăng cường đào tạo nhân viên nội bộ về việc ý thức vận hành xe tải cũng như cung cấp các kiến thức để có thể tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sử dụng.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Quyền, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc các DN vận tải, logistics phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ.