Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán nhà ở xã hội

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà ở là nhu cầu bức thiết của người dân đô thị, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nghịch lý ở chỗ, trong khi nhà ở thương mại vẫn đang dư thừa nhiều năm qua, thì nhà ở xã hội luôn thiếu hoặc có dự án xây dựng xong nhưng không bán được. Bài toán này rất cần được giải sớm để mọi người lao động được an cư.

Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành khoảng 250 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng hơn 100.000 căn, với tổng diện tích hơn 5.200.000m2. Tuy vậy, con số này mới chỉ đạt khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu mét vuông nhà ở). Với Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, TP đặt mục tiêu xây dựng khoảng 6,2 triệu mét vuông sàn NƠXH, đến nay mới đạt khoảng 4,04 triệu mét vuông sàn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội cần đầu tư xây mới khoảng 5 triệu mét vuông sàn nhà NƠXH. Dự kiến, trong tương lai, Hà Nội sẽ xây dựng 5 khu đô thị NƠXH tập trung với tổng diện tích khoảng 301,64ha đất tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín.
Nhu cầu nhà ở nói chung vẫn sẽ tiếp tục tăng trước làn sóng đô thị hóa. Nhiều chủ trương, chính sách cho phát triển nhà ở đã được hiện thực hóa. Vì thế, bộ mặt đô thị ngày một khang trang, hiện đại. Những khu đô thị sầm uất với nhiều tiện ích đã được đưa vào sử dụng; cả trăm nghìn khu nhà ở cao tầng mọc lên đã cải thiện chỗ ở cho người dân đô thị. Dẫu vậy, vẫn còn hàng nghìn hộ gia đình thu nhập thấp đang nuôi giấc mơ an cư.

Có nhiều nguyên nhân khiến quỹ NƠXH thiếu hụt. Tựu trung lại, do cơ chế, chính sách đầu tư phát triển mảng nhà ở này chưa rõ ràng; đa số chủ đầu tư chỉ chăm chú xây dựng nhà ở thương mại để bán kiếm lời chứ chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề an sinh xã hội. Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng vẫn ban hành chính sách ưu tiên phát triển NƠXH nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.

Ngay như Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định dự án có diện tích dưới 10ha phải dành 20% quỹ đất xây dựng NƠXH. Nhưng vì lý do đặt lợi ích kinh tế lên trên mà không ít chủ đầu tư biến quỹ đất này thành nhà ở thương mại hoặc sử dụng vào mục đích khác. Thế nên, trong văn bản mới đây được Bộ Xây dựng công bố về nguyên tắc xác định quỹ đất phát triển NƠXH được dư luận đánh giá cao và kỳ vọng sẽ triển khai nghiêm túc trong thực tế. Một trong những quy định quan tâm là, đối với quỹ đất để phát triển NƠXH trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại đô thị loại II và III phải dành 20% diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng NƠXH. Trường hợp dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2ha tại đô thị đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5ha tại đô thị loại II và III thì chủ đầu tư không phải dành 20% quỹ đất và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án theo quy định. Trường hợp phải bố trí 20% diện tích xây NƠXH nhưng thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận.

Việc luật hóa để ưu tiên phát triển NƠXH là rất bức thiết. Tới đây, một loạt chính sách liên quan đến nhà đất cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục hạn chế trong tiến trình đô thị hóa, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội. Hộ gia đình thu nhập thấp tại đô thị kỳ vọng NƠXH sẽ được đẩy mạnh phát triển; nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá thấp được tạo lập... Từ đó, đáp ứng nhu cầu an cư của các gia đình cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp, đối tượng chính sách.