Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2021 mới đạt gần 43% kế hoạch

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 42,48%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

 Ảnh minh hoạ

Báo cáo tình hình phân bổ, giao kế hoạch, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân đến hết tháng 7/2021 là 398.616,466 tỷ đồng, đạt 86,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 86,05% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 89,27% kế hoạch.

Số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án còn lại đến nay khá lớn: 62.683,534 tỷ đồng, bằng 13,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân đến ngày 31/7/2021 là 169.335,05 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), trong đó vốn trong nước đạt 40,38%, vốn nước ngoài đạt 7,52%. Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội như đã nêu trên thì tỷ lệ giải ngân đạt 42,48%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Có 10 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (36,71%); 7 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và 2 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Con số trên cũng gần trùng khớp với số liệu của Tổng cục Thống kê trong báo cáo kinh tế xã hội tháng 7 năm 2021. Theo đó, tính chung 7 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 210.800 tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch năm 2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân giải ngân chậm được Bộ Tài chính đánh giá là do công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn NSNN tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương năm 2021 chậm, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia; việc áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để chậm, muộn trong phân bổ ngân sách chưa quyết liệt; vướng mắc về đầu tư chậm được xử lý như giải phòng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án; một số dự án ODA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định… Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết các địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Thực tế, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, TP, ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công do 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số địa phương khác cũng thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg. “Theo báo cáo của các địa phương, hiện tại nhiều công trình phải dừng thi công hoặc tiến độ thi công chậm. Tuy nhiên, các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đều nỗ lực và cam kết sau thời gian giãn cách sẽ tập trung cao độ, tăng tốc để tăng khối lượng, không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện chung” – Tổng cục Thống kê báo cáo.

Nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công.