Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết thách thức về môi trường: Hiệu quả từ những cái “bắt tay”

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công cuộc bảo vệ môi trường của các địa phương không chỉ dựa trên nội lực mà còn cần đến những kinh nghiệm và hợp tác từ bạn bè quốc tế.

Trạm quan trắc không khí trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Minh Quân
Trạm quan trắc không khí trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Minh Quân

Tại Việt Nam, vấn đề tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, khắc phục tình trạng sử dụng các nguồn lực một cách manh mún.

Chủ động liên kết, hợp tác

Thời gian qua, liên kết bảo vệ môi trường giữa các địa phương, vùng và hợp tác quốc tế ngày càng được quan tâm, chú trọng. Nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành và liên ngành ở các cấp đã được xây dựng, ban hành nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố môi trường.

Các cơ chế, thể chế phối hợp liên ngành tiếp tục được hoàn thiện. Mô hình cơ quan bảo vệ môi trường cấp vùng, liên tỉnh đã được triển khai, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, đi vào nền nếp.

Trước đây, tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội từng diễn ra lễ ký 2 thỏa thuận Pháp – Việt về cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường TP Hà Nội đã thiết lập mối quan hệ đối tác giữa UBND TP Hà Nội và Đại sứ quán Pháp để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, đặc biệt trong việc cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội.

 

Điểm tương đồng của Hà Nội và Vùng Ile de France là mục tiêu chú trọng giảm thiểu chất thải, chất nhựa trong các dự án xây dựng, tiến tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Vùng Ile de France có kế hoạch hợp tác giúp Hà Nội nghiên cứu và hướng dẫn phát triển bền vững qua các chính sách cụ thể vể xử lý rác thải dự án, xây những “khu chợ không rác” với sự tham gia của cộng đồng DN khởi nghiệp Pháp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile de France (Pháp) Beaudet Stephane

 

Các thỏa thuận này góp phần vào sự phát triển hài hòa và bền vững của TP Hà Nội, cũng như công cuộc chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và Pháp.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, trong những năm qua, Hà Nội đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhiều chính sách để cải thiện chất lượng không khí như Chỉ thị 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ; Chỉ thị số 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn TP; Nghiên cứu xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí…

Bên cạnh đó, Hà Nội rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Đến nay, đã lắp đặt và quản lý vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động.

Dữ liệu quan trắc được liên tục cập nhật lên cổng thông tin điện tử của UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội và gửi 15 cơ quan báo chí truyền hình để phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức...

Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Môi trường, nước và xử lý nước”, với sự tham gia của các địa phương Việt Nam và Pháp, mở ra nhiều cánh cửa hợp tác mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các bên nhất trí tình hình khan hiếm nước, biến đổi khí hậu là thách thức chung mà cả Pháp và Việt Nam đang đối diện. Hai bên đã và đang triển khai các biện pháp kỹ thuật cũng như điều chỉnh chính sách công để quản lý nguồn nước hiệu quả hơn, đặc biệt là nguồn nước cho nông nghiệp, tưới tiêu. Trong đó, hợp tác phi tập trung rất quan trọng, cần thu hút thêm hợp tác mới.

Hỗ trợ, phát huy thế mạnh

Theo Bộ TN&MT, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ Pháp thông qua AFD trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý, bảo vệ môi trường; quản lý, tổng hợp tài nguyên nước và lưu vực sông.

Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tham khảo được nhiều kinh nghiệm quý giá về mô hình quản lý lưu vực sông. Thông qua AFD, Cục Quản lý tài nguyên nước nhận được hỗ trợ rất quan trọng trong quá trình sửa đổi Luật Tài nguyên nước, đã tiếp xúc và làm việc với Tổ chức lưu vực sông Rhin - Meuse, sông Seine.

Qua đó đã trao đổi kinh nghiệm và được biết, quản lý tài nguyên nước của Cộng hòa Pháp thể hiện tập trung ở quản lý lưu vực sông. Mô hình Ủy ban Lưu vực sông của Pháp giúp gắn kết trách nhiệm giữa Chính phủ, chính quyền địa phương với cộng đồng dân cư và các DN trên lưu vực.

Đây là một mô hình quản trị đã đem lại nhiều thành công và có thể nghiên cứu để áp dụng phù hợp với thực tế tại Việt Nam, góp phần hoàn thiện, phát triển cho bộ máy quản lý tài nguyên nước của Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho hay, công cuộc bảo vệ môi trường của các địa phương Việt Nam không chỉ dựa trên nội lực mà còn cần đến những kinh nghiệm và hợp tác từ bạn bè quốc tế.

Với thế mạnh về kinh nghiệm, công nghệ môi trường hiện đại, các địa phương và nhà đầu tư Pháp luôn được xem là đối tác tin cậy của các địa phương Việt Nam trong nỗ lực phát triển bền vững.

Tăng cường liên kết vùng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.

Trong quản lý địa phương của Pháp, ngoài các đơn vị hành chính chính thức, nước bạn có mô hình của các cộng đồng đô thị (Metropole), là các liên kết vùng để thuận lợi cho việc hoạch định và triển khai các chính sách về đô thị, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường.

Đây là mô hình mà các địa phương Việt Nam mong được học tập kinh nghiệm và hợp tác với các địa phương Pháp để không chỉ giải quyết hiệu quả các thách thức môi trường của từng địa phương riêng lẻ, mà còn cùng nhau phối hợp để đảm bảo các yêu cầu về môi trường cho toàn khu vực.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, Hà Nội luôn chú trọng tăng cường quản lý về chất thải rắn. Để giảm thiểu rác thải nhựa tại Hà Nội, chính quyền phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt; DN tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường và người dân nâng cao ý thức trách nhiệm.

Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện, ban hành quy định về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, các chính sách ưu đãi về tài chính đối với lĩnh vực thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.

 

Bài dự thi Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023” xin gửi về địa chỉ: Ban Đô thị - Báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.
Email: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com.
Mọi thông tin về Cuộc thi xin liên hệ:
Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Ban Đô thị, điện thoại: 098.747.9898